Đúng Chuyện Nội Bộ

 

 

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

 

Mỗi lần nghe thấy từ bên ngoài có những cổ võ và thôi thúc phải có nhân quyền và dân chủ hóa tại Việt Nam, các ông lãnh đạo Cộng sản Hà Nội lại dãy nảy lên và đua ra chiếc khiên che đỡ có tên quen thuộc "xen vào chuyện nội bộ của Việt Nam". Không đuợc can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác là đúng luật quốc tế, nhưng hãy thử nhìn xem nước Cộng sản Việt Nam có những chuyện nội bộ như thế nào. Khi anh đã chiếm được quyền cai trị một nước bằng mũi súng thay vì bầu cử tự do, anh vẫn thích nói cần phải bảo vệ chủ quyền của nước đó để chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Dù vậy chủ quyền cũng không mặc nhiên có nghĩa là anh muốn làm gì thì làm trong "chuyện nội bộ". Cũng như khi làm chủ một gia đình, anh không muốn cho ai dòm vào chuyện phòng the của anh, nhưng nếu anh đánh đập tàn nhẫn bóp cổ vợ con anh, cảnh sát vẫn có thể can thiệp, tông cửa vào bắt anh. Trong các chuyện nội bộ của chế độ Cộng sản Việt Nam, hãy tạm gác qua một bên những vấn đề chính trị để nhìn nhận một thực trạng: Chế độ Hà Nội đã đuợc quốc tế nhìn nhận trên thực tế và trên pháp lý (de facto et de jure). Và cũng trong khung cảnh thực tế này, hiển nhiên có một quyền không ai muốn tranh cãi với họ. Đó là quyền quản lý về dân số. Ở lãnh vực này những người cầm đầu chế độ đã phải ta thán về những khó khăn họ gập phải. Tuần trước những thống kê chính thức cho biết dân số Việt Nam hiện đã tăng mỗi năm hơn 1 triệu người và người cầm đầu ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đã nhìn nhận thất bại. Từ một chục năm qua chế độ đã cố gắng cắt giảm, nhưng tỷ lệ sinh vẫn tới 2.3%. Quản lý dân số chỉ là một khía cạnh nhỏ về quản trị xã hội. Không ai ngạc nhiên trước tình trạng này, bởi vì cho đến nay chế độ cộng sản đã gặp nhiều lần thất bại. Trong quá khứ khi còn cai trị có một nửa nước Việt Nam ở miền Bắc, Hà Nội đã quản trị dễ dàng xã hội vì chế độ của họ là một chế độ quan liêu bao cấp. Hơn nữa đó là thời kỳ chiến tranh nên người dân đã chấp nhận chế độ khẩu phần ăn đói và chỉ hưởng tối thiểu cho nhu cầu cuộc sống vì tất cả sản lượng còn lại do họ làm ra đều phải đóng góp cho cuộc chiến cứu quốc. Tôi nghĩ người dân miền Bắc đã hy sinh rất nhiều, đau khổ rất nhiều vì chiến tranh mà không chút oán than hay phản kháng. Họ đã cam lòng chịu đựng gian khổ như vậy chỉ vì chiêu bài cuộc chiến dành độc lập dân tộc. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc vấn đề lại khác. Sau chiến tranh những người cộng sản đã hai lần gặp những thử thách lớn lao về quản trị xã hội và lần nào họ cũng thất bại chỉ vì tư tưởng và cấu trúc chế độ của họ sơ cứng và ấu tri, không thích ứng đuợc với những hoàn cảnh mới. Khi chiếm đuợc miền Nam năm 1975, họ đã đứng trước một khối dân số trong chớp mắt tăng hon gấp đôi, một biến cố lịch sử và cũng là một sự bùng nổ miệng ăn chua từng thấy đối với một chính quyền có nhiệm vụ quản lý đất nước thống nhất. Cuối năm 1976, khi đã ăn hết số gạo dự trữ của miền Nam Việt Nam, dân chúng trên toàn quốc bắt đầu phải ăn độn ngô, khoai, sắn, để rồi khi không còn hoa mầu phụ đủ ăn, cả nước phải ăn độn cả bột mì hư thúi là đồ viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho khỏi chết đói. Miền Nam Việt Nam vốn là vựa lúa của cả nước, tại sao CS chiếm đuợc miền Nam, dân chúng vẫn bị ăn độn? Đó là vì chế độ của họ không tái cấu trúc đuợc, họ vẫn nhắm mắt áp dụng một chế độ kinh tế lạc hậu làm nản lòng sức sản xuất của nông dân. Lần thử thách thứ hai là khi chế độ đổi mới kinh tế theo thị trường. Chúng ta biết những việc gì đã xẩy ra. Cố nhiên sau khi cởi trói cho nông dân tự do sản xuất và mở cửa kinh tế cho mọi thành phần tham dự, đất nước không còn nguy cơ chết đói, Việt Nam đã vọt lên hàng xuất cảng gạo bậc nhì trên thế giới. Thế nhưng kiểu cải cách nửa chừng, dung túng cho những tàn dư của chế độ quan liêu bao cấp tiếp tục sống, đã khiến phát triển kinh tế mất quân bình nghiêm trọng. Chế độ đã tạo đuợc cảnh phồn vinh bề ngoài ở những thành phố lớn, nhưng cũng không che đậy nổi sự thật là phần lớn nông thôn hẻo lánh vẫn còn nghèo khồ. Ít ra cũng có 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn bị thiếu dinh dưỡng. Hơn nữa, trong khi đổi mới kinh tế, sự quản trị xã hội yếu kém đã làm văn hóa suy đồi, ma túy, đi điếm trộm cướp, tham nhung lan tràn. Riêng sự bất lực không làm giảm đuợc tỷ lệ sinh sản trong 10 năm qua cung đủ cho thấy một hình ảnh đặc biệt của xã hội ở thời kỳ này. Có kế hoạch không thực hiện, có luật lệ không thi hành. Dân chúng hết tin chính phủ.

Bây giờ đến lần thử thách thứ ba và có lẽ nghiêm trọng nhất. Dân số Việt Nam năm 1975 chỉ có 47 triệu, đến năm 2001 đã lên đến 80 triệu. Mỗi năm có thêm hơn 1 triệu miệng ăn, điều đó cũng có nghĩa là mỗi năm phải tìm ra hơn 1 triệu công ăn việc làm cho những người dân đến tuổi lao động. Việt Nam làm sao đối phó nổi, nếu không có "viện trợ" đầu tư và kinh doanh ngoại quốc. Khi các thế lực tài chính bên ngoài bắt Hà nội phải xúc tiến tái cấu trúc cơ chế, cải tổ quốc doanh, hệ thống ngân hàng và dẹp bớt tham nhung quan liêu cửa quyền, rõ rệt đó là "xen vào việc nội bộ" một cách trắng trợn, nhưng chế độ vẫn răm rắp tuân theo, không dám phản đối hay bác bỏ.

Quan niệm của những người Cộng sản về vấn đề "xen vào việc nội bộ" chỉ là quan niệm hai hàng. Nhưng bây giờ vấn đề trước mặt là đối phó với đội quân thất nghiệp mỗi năm một gia tăng theo dân số. Đây là cơ hội chót để chế độ trưởng thành. Nếu bỏ lỡ, e rằng không còn cơ hội nào khác. Đúng là chuyện nội bộ.