Đổ Dầu Vào Lửa

 

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

 

Vụ bắt giam Linh Mục Mguyễn Văn Lý ở Huế và việc gọi Hòa Thượng Thích Quảng Độ lên một ủy ban nhân dân địa phương ở Saigon để ngăn cấm dự định đi Quảng Ngãi thăm HT Thích Huyền Quang với những lời hăm dọa trắng trợn đã gây phẫn nộ trong các cộng đồng người Việt hải ngoại. Các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới, trong đó có Hội Ân xá Quốc tế đã đua ra những lời lên án gắt gao. Trong lúc dư luận thế giới đang chú ý đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam sau vụ điều trần trước Ủy ban quốc tế Tự do Tôn giáo của Mỹ, hành động của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam khác nào đổ dầu thêm vào lửa.

Tại sao Hà Nội chọn đúng lúc này để ra tay đàn áp những tiếng nói bất khuất về nhân quyền và tự do tôn giáo? Họ kinh hoảng trước viễn tượng đấu tranh lan rộng chống chế độ của họ nên phải dùng những biện pháp mạnh để chặn lại trước khi quá muộn? Hay trong nội bộ của họ có chuyện rắc rối, bộ Chính trị dưới quyền của Nông Đức Mạnh mới chỉ thành hình và ban Chấp hành Trung ương sau đại hội đảng kỳ IX vẫn bị những phần tử cực đoan lợi dụng thời cơ lấn lướt? Hoặc chính đầu não đảng còn những âm mưu nào khác? Chúng tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy cũng chỉ xuất phát từ một động cơ căn bản duy nhất. Đó là khi chế độ thấy nguy đến mạng sống, họ phải làm mọi cách để tự cứu, kể cả những biện pháp tuyệt vọng. Sự kiện đó chỉ nói lên một sự thật không thể chối cãi. Phong trào đòi hỏi tự do tôn giáo đã đến thời điểm làm lung lay nền móng chế độ. 

Nhưng các biện pháp tự cứu của chế độ cộng sản chỉ quật ngược lại chính họ. Trong vụ bắt giam LM Lý, Công an địa phương quy tội cho ông đã phân phát tài liệu chống Cộng trong một buổi thánh lễ. Bộ Ngoại giao Hà Nội nói LM Lý đã vi phạm một điều khoản của lệnh "bắt giam hành chánh" từ tháng Hai. Sự thật về những "tội" này như thế nào? Cái gọi là "bắt giam hành chánh" là việc áp dụng nghị định 31/CP của chính phủ cộng sản, theo đó công an và các ủy ban nhân dân địa phương có quyền quản chế bất cứ người nào không cần có tòa án xét xử. Nếu dưới chế độ Cộng sản tất cả những hành động phê phán việc làm sai trái của chính quyền đều bị quy là "phản động", thì nghị định 31/CP mới thật sự là phản động vì nó chống lại Hiến pháp và luật pháp do chính những người Cộng sản viết ra. Điều 72 của Hiến pháp đó ghi: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật". Lời tuyên bố của bộ Ngoại giao Hà Nội là một sự thú nhận ở Việt Nam chỉ có luật rừng, không xứng đáng là một nước có chủ quyền trong cộng đồng thế giới. 

Sự thật việc quản chế LM Lý từ tháng 3 và việc bắt giam ông lần này chỉ vì ông đã viết những điều trần gửi ra ngoài nói rõ quyền tự do tôn giáo đã bị xâm phạm ở Việt Nam như thế nào. Nếu mọi việc công khai nói lên những sự kiềm chế và chà đạp tự do tôn giáo đều bị coi như mưu toan lật đổ, hiển nhiên chế độ Cộng sản đã nhìn nhận chỗ yếu nhất của họ: chế độ chỉ có khả năng tồn tại khi người dân không có quyền tự do tôn giáo. Sự bắt giam LM Lý còn cho thấy chế độ đã bóp chết quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền quan trọng nhất của con người. 

Việc cấm cản HT Thích Quảng Độ đi thăm HT Thích Huyền Quang bị giam lỏng ở Quảng Ngãi lại biểu lộ thêm một lần nữa sự hãi hùng của chế độ Cộng sản trước những việc làm quang minh chính trực của các vị lãnh đạo tôn giáo mà họ không có cách nào kiềm chế nổi. Đi thăm một vị lão tăng 83 tuổi bị quản chế suốt 19 năm, nay lâm bệnh kiệt quệ, phải chăng là một âm mưu phá hoại chính phủ? HT Quảng Độ đã bị chế độ giam cầm tổng cộng gần 20 năm, khi đuợc thả hai năm truớc đây cùng với hàng ngàn tù nhân, chế độ bảo đó là "ân xá" "khoan hồng". Nhưng từ ngày ra khỏi nhà tù, Hòa thượng luôn bị theo dõi, truy bức, Thiền viện của Ngài ngày đêm bị công an canh giữ, mọi sự đi lại bị làm khó dễ, gây phiền toái cho cả những người muốn đến gặp Ngài. Như vậy gọi là khoan hồng hay sao?

Ở Việt Nam ngày nay, chế độ độc quyền toàn trị của những người cộng sản không chấp nhận đối lập, sợ hãi những tiếng nói trung trực chỉ trích những việc làm sai trái của họ, nên đã chụp lên đầu những người có tiếng nói phê phán đó một loạt những tội danh nghe hoài thành quen thuộc như "phản động", "phản cách mạng", "chống xã hội chủ nghia", "âm mưu lật đổ". Đó chỉ là những tội danh tùy nghi suy diễn để đàn áp chớ không có cách nào xác định. Nếu nói là phản động thì chính chế độ Cộng sản mới là phản động vì họ đang đi nguợc lại xu thế tiến bộ của nhân loại. Còn nói là phản cách mạng chăng? Vậy họ đang làm cách mạng gì mà gọi là phản? Cái chủ nghia xã hội của họ như thế nào mà có thể buộc tội bất cứ ai là chống? Còn đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ là "âm mưu lật đổ" thì thử hỏi cái chế độ đó còn có gì đáng để duy trì và bảo vệ?

Bản báo cáo kết thúc đại hội đảng hồi tháng 4 có đoạn cam kết "phát huy dân chủ và tăng cuởng pháp chế". Nhưng việc làm hiện nay của chế độ chỉ thấy vùi dập dân chủ và tăng cuờng luật rừng để dễ bề đàn áp những quyền căn bản của con người. Những người Cộng sản tin rằng cứ dùng bạo lực để trấn áp những tiếng nói phê phán và nghiền nát những phong trào đòi hỏi tự do tôn giáo là có thể bảo vệ đuợc chế độ của họ. Họ đã lầm.

Những thử thách ghê gớm nhất chỉ mới bắt đầu. HT Thích Quảng Độ đã chính thức thông báo đến ngày 7 tháng 6 này, Ngài sẽ đi đón HT Thích Huyền Quang về Saigon, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Cộng sản.