DẤU MỐC VŨNG MÁU

 

Hà Nhân

 

Trong lịch sử Việt Nam có nhiều thời điểm được coi như dấu mốc của những giai đoạn biến đổi quan trọng, trong đó có việc những triều đại bị lật đổ, hoặc những triều đại mới lên nắm vương quyền, hoặc những giai đoạn có biến cố lớn gây tác dụng nghiêm trọng cho đất nước, dân tộc. Những biến cố được coi là dấu mốc lịch sử ấy có khi êm đẹp, có khi đổ máu. Nhưng không biến cố dấu mốc nào gây nhiều thay đổi sâu rộng và đổ nhiều máu như ngày 2 tháng Chín năm 1945, khi ông Hồ Chí Minh đọc văn bản mở đầu chế độ CSVN mà phe CSVN gọi là “tuyên ngôn độc lập.”  

Các nhà nghiên cứu, sử gia, các bậc cách mạng lão thành... đã có nhiều nhận xét về biến cố 2/9/1945. Bài này chỉ xin góp một phần nhỏ bé vào cái núi tài liệu ấy.  

Trước hết, văn kiện tuyên ngôn độc lập của ông Hồ không phải là tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Tuyên ngôn độc lập đầu tiên phải là tuyên ngôn của Cựu Hoàng Bảo Ðại ngày 11/3/1945, công bố tai Huế sau khi Nhật đánh tan binh đội thuộc địa Pháp đêm 9/3/1945. Tuy rằng lúc ấy Nhật còn nắm giữ chủ quyền quân sự, nhưng đó vẫn là bản tuyên ngôn độc lập thực sự.  

Do đó, cuộc chính biến 19/8 và việc thành lập chế độ mệnh danh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có tính chất một cuộc đảo chính giành chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim lúc ấy đã từ nhiệm và đang xử lý thường vụ.  

Lá cờ đỏ sao vàng và bài Tiến Quân Ca xuất hiện từ ngày 19/8 là đảng kỳ và đảng ca của Ðảng CSVN mà chính quyền Hồ Chí Minh áp đặt làm quốc kỳ và quốc ca. Hồi ấy các đảng phái cách mạng quốc gia đã kịch liệt phản đối vụ này và đòi Quốc Hội biểu quyết chọn cờ và quốc ca khác. Nhật báo Việt Nam của VNQDÐ đã mở cuộc trưng cầu dân ý chọn những mẫu quốc kỳ đẹp nhất để trình Quốc Hội quyết định.  

Việc làm này chưa đi đến đâu thì xảy ra vụ Cộng Sản tổng thanh trừng, tiêu diệt các đảng phái không-Cộng-Sản. Hầu hết dân biểu của phe quốc gia bị giết, bị cầm tù hoặc trốn tránh vì bị truy lùng ráo riết. Chỉ còn lại phân nửa dân biểu, cái quốc hội què quặt này đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiến Pháp vào tháng 11 năm 1946, y nguyên như dự thảo của phe Cộng trong đó cờ đỏ sao vàng và Tiến Quân Ca được coi như quốc kỳ và quốc ca.  

Phải công nhận khí thế của toàn dân hồi đó lên rất cao. Người ta từ trẻ nít như kẻ viết bài này đến những bô lão tám mươi, chín mươi tuổi đều vui mừng và nhiệt liệt ủng hộ những gì chính quyền hô hào. Ông Hồ và đàn em của ông bất ngờ xuất hiện lần đầu tiên đã chiếm ngay cảm tình nồng nhiệt của quần chúng. Những ai đến sau đành chịu số phận hẩm hiu. Người đến trước dành tất cả lợi thế nhất là khi người ấy áp dụng bá đạo, lấy bắn giết và tuyên truyền nhồi sọ làm vũ khí.  

Những khẩu hiệu ngày 2/9/45 như “Cương Quyết Dành Quyền Ðộc Lập,” hay VNDCCH Muôn Năm” có tác động mạnh mẽ đến cả tâm hồn của bọn nhi đồng suốt 56 năm qua. Lòng yêu nước chưa bao giờ lên cao như vậy. Ít ai phân biệt thế nào là Cộng Sản, là tư bản, mà chỉ coi Việt Minh hay Việt Quốc, Việt Cách như những tổ chức cùng yêu nước nhưng khác nhau tí chút về đường lối.  

Vì thế có rất nhiều gia đình có hai anh em ruột mỗi người theo một phe nhưng rất vui vẻ vì họ coi chuyện gia nhập Việt Minh hay Việt Quốc cũng như nhau, chẳng khác gì theo học hai truờng khác nhau, mà chương trình ở đâu cũng là một. Chỉ khi hai bên bắt đầu bắn giết nhau một cách quy mô trên đường phố cũng như nơi rừng núi, họ mới bắt đầu có nợ máu với nhau, thứ máu của cùng một mẹ một cha. Và cuộc nội chiến quốc-cộng đã xảy ra ngay từ ngày đầu tháng Chín năm 1945.  

Lấy công tâm mà nói, việc bắn giết nhau đều do cả hai phe sử dụng để loại trừ và trả thù nhau. Nhưng phe CSVN mở đầu cuộc nồi da nấu thịt bằng dao găm súng lục lúc đầu. Sau đó họ tiến lên mức độ súng trường và đại liên. Phe quốc gia tuy cũng trả đũa nhưng về mặt bạo tay và tinh vi thì thua xa mấy tay đồ tể Việt Minh.  

Biết bao nhiêu đảng viên các đảng phái hoạt động ở lãnh thổ Trung Hoa kéo nhau về nước sau khi nghe tin Cách Mạng Tháng Tám đã thành công. Nhưng một số không ít đã bị Việt Minh đón giết khi họ vượt biên giới Việt Hoa.  

Từ đó oán gọi oán, ngày thêm thù hận chập chùng. Số người oan khuất từ Bắc chí Nam, không kể số chết trong chiến tranh, lên đến hàng trăm ngàn người. Lấy thí dụ như tại đồng bằng Bắc Việt, lâu lâu trên cánh đồng mỗi xã lại có một xác người bị chặt đầu mổ bụng, phân thây hay chôn sống chỉ vì tội là hay đã là Việt Quốc, Ðại Việt, Duy Dân... Tại xứ Quảng Miền Trung, tại Long Xuyên, Tây Ninh, Sài Gòn... cơ man nào là nạn nhân của Việt Minh chỉ vì mục tiêu giành độc quyền chính trị của phe CSVN.  

Năm 1946, phe CSVN dàn cảnh vụ Ôn Như Hầu đê bêu xấu và mưu hại phe VNQDÐ. Nhưng những gì xẩy ra ở các trại giam nổi tiếng của Việt Minh như Chi Nê, Ðầm Ðùn còn ghê gớm hơn nhiều lần. Chính sách của Việt Minh mở đầu cho những cuộc tàn sát ghê rợn về sau mà nổi bật nhất là cuộc Cải Cách Ruộng Ðất 1953-56 và những nấm mồ tập thể ở Huế trong trận Tết Mậu Thân.  

Khi mà giết chóc, khủng bố là một chính sách của đảng cầm quyền thì không thể ước lượng được hậu quả của nó. Ðặc biệt là khi một bộ máy tuyên truyền nhồi sọ, ca tụng và khuyến khích những hành vi tàn ác, mổ bụng moi gan không gớm tay làm cho con người trong bộ máy khủng bố không thấy mình man rợ mà còn thích thú khi xẻo vú một bà vợ nghĩa quân hay đặt mìn phá nổ một nhà hàng đông khách.  

Thú tính tàn nhẫn với đồng loại được khuyến khích, đạo đức của loài người và tính lương thiện của con người bị khinh thường đã làm cho xã hội Việt Nam cực kỳ bại hoại về văn hóa và đạo lý, mở đầu do cái chế độ ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945.  

Trong Chiến Tranh Việt Nam, phe Cộng đã khai thác tối đa lòng yêu nước của nhân dân trong khi tạo ra những hình ảnh sai lạc về Hoa Kỳ và VNCH, và nhờ những mánh khóe vặt nhưng hữu hiệu, họ đã thành công ở nhiều lãnh vực.  

Dù lập trường căn bản ra sao, cũng phải công nhận rằng các lãnh tụ CSVN lúc đầu tiên đi theo Cộng Sản phần nhiều là vì lòng yêu nước, thương dân. Khi họ đã chịu gian khổ, vào tù ra khám nhiều lần và quá trình học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, họ đã biến chất dần để lúc đã đứng tuổi trở thành những lãnh tụ say quyền hành, ngoan cố, liều lĩnh. Họ mang trong người nhiều ham muốn cực độ về quyền hành và danh vọng và rất tham lam về tiền tài.  

Họ dễ trở thành những nhà lãnh đạo khát máu, tàn nhẫn, quắt quéo lừa lọc, nhưng trước tình hình nguy nan cho bè đảng, họ rất đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau. Ðó là bản tính của mọi tổ chức có hệ thống quyền lực như Mafia.  

Một chính sách của bất cứ tổ chức chống CSVN nào đối với người Cộng Sản cũng nên đặt căn bản trên thực tế tình hình Việt Nam. Ngoài nhóm lãnh tụ chóp bu, hầu hết cán bộ và đảng viên CSVN cũng như bộ đội ngoài đảng và đoàn Thanh Niên Cộng Sản đều bị nhồi nhét và dễ bị kích động vì lòng yêu nước khi họ chống lại phe ta. Xin nhớ rằng một số đông đảo thanh thiếu niên ở Việt Nam đã bị những luận điệu tuyên truyền của CSVN làm cho tư tưởng và nhận định lệch lạc về mọi mặt.  

Nhưng đó cũng là yếu điểm của chế độ CSVN. Một khi những con người yêu nước ấy nhìn thấy một vài sự thật hoàn toàn không như những gì họ được nhồi sọ thì họ sẽ không còn tin tưởng vào đảng nữa. Họ sẽ dễ dàng đứng về phía ta, nếu họ không có gắn bó chặt chẽ với quyền lợi vật chất mà chế độ dành cho họ và nếu họ yên tâm không sợ bị phe ta ruồng bỏ hay khinh miệt.  

Ngày 19 tháng 8 có thể được coi là ngày toàn dân làm cách mạng giành độc lập, không phải là công lao của riêng đảng CSVN dù chúng ta không kỷ niệm ngày này. Nhưng biến cố 2 tháng 9 không thể được coi là ngày quốc khánh, mà chỉ là thời điểm ghi dấu một cuộc nội chiến có bàn tay của nước ngoài nhúng vào và yểm trợ, điểm khởi đầu của cuộc đổ máu tai hại nhất lịch sử Việt Nam.  

Chế độ CSVN vẫn dùng ngày lễ 2 tháng 9 của họ làm một trong những chỗ bấu víu để biện minh cho độc quyền chính trị của họ với mọi mánh khóe nhỏ nhặt. Chuyện sau đây là một thí dụ.  

Hàng năm trong dịp lễ 2 tháng 9, đài phát thanh và truyền hình của CSVN thường phát lại tiếng của ông Hồ đọc tuyên ngôn ngày 2/9/45 (có lẽ hiện vẫn còn phát). Nhưng ai có chút hiểu biết về kỹ thuật thu thanh và có nhận định nhậy bén tất thấy rõ tiếng ông Hồ vang vang, rõ ràng, không có tiếng ồn, nghe hệt như băng nhựa thu ở các phòng thu thanh tối tân ở Hoa Kỳ năm 2001.  

Phương tiện thâu thanh ở Hà Nội hồi 1945 không thể nào đạt trình độ Hoa Kỳ năm 2001 như thế. Ngay cả kỹ thuật tách âm thanh thu hỗn độn ra từng loại, từng thành phần hiện đại nhất ngày nay cũng không thể làm được. Nhưng mấy ai có ý thức và thì giờ để giảng giải cho quần chúng những mánh khóe vặt vãnh nhưng có ít nhiều hiệu quả như thí dụ nói trên.

 

 Hà Nhân