Ðảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức đại hội

 

 

Mark McDonald

Văn phòng Mercury News tại Việt Nam

 

HÀ NỘI - Họ đang cho trồng cỏ mới tại trước lăng Hồ Chí Minh ở  trung tâm Hà Nội - tức là một dấu hiệu luôn luôn cho thấy chắc chắn  là một chuyện lớn lao nào đó đang sắp sửa xảy ra tại thủ đô.

 

Và không có biến cố nào ở Việt Nam lớn hơn là một đại hội của đảng  Cộng Sản. Ðại hội chỉ được tổ chức 5 năm một lần và nó không gì  khác hơn là xác định đường hướng chính trị và kinh tế cho đất nước.

 

Với Ðại Hội lần thứ 9, bắt đầu vào ngày thứ Năm 19 tháng Tư,  khoảng 1,200 đại biểu đảng sẽ tới Hà Nội. Họ sẽ đến từ tất cả mọi  nơi trong nước, từ vùng châu thổ Cửu Long, vùng cao nguyên Trung  Phần, đến vùng sơn cước miền Bắc. Họ đã phải được tổ đảng của họ  bầu lên tại các làng đánh cá, các đơn vị quân đội và các xưởng thép  quốc doanh. Họ sẽ đến từ các nghiệp đoàn lao động, các tiểu đoàn  công an, các tổ chức phụ nữ và các hợp tác xã nông nghiệp.

 

Công việc chính của họ sẽ là bầu lên một Ủy Ban Trung Ương Ðảng,  rồi ủy ban này lại bầu lên một Bộ Chính Trị mới và đầy quyền năng.  Bộ Chính Trị đương thời có 18 ủy viên, và có đến tám người trong số  đó đang được trông chờ là sẽ bị thay thế trong đại hội đảng lần này.

 

Vụ bầu vào Bộ Chính Trị sẽ không phải là một thủ tục đặc biệt minh  bạch hoặc dân chủ đâu - vì dầu sao chăng nữa, đây cũng là chủ  nghĩa cộng sản cứng rắn - nhưng nó cũng hứa hẹn là sẽ có những trò  chơi xấu, đổ máu và trắng trợn. Cuộc chiến giữa giới cải cách trẻ  trung, có tầm nhìn ra bên ngoài, và giới lãnh đạo già nua, bài ngoại  còn lâu mới chấm dứt.

 

Các nhân vật lãnh đạo cao cấp của đảng nhất mực cho rằng sẽ có  một thứ tiếp huyết chính trị được diễn ra trong kỳ đại hội này. Ông  Hữu Thọ, tư tưởng gia hàng đầu của đảng, cho biết là lớp người dưới  50 tuổi sẽ được đại diện nhiều hơn trong tân Ủy Ban Trung Ương  Ðảng, và hầu hết các đảng viên trên 55 tuổi đã được cho biết là họ  không được ra tái ứng cử nữa.

 

Zachary Abuza, một chuyên viên về Việt Nam và là giáo sư về khoa  chính trị tại trường Simmons College ở Boston, đã cho hay: “Có thể là  một thế hệ mới, gồm những cá nhân trẻ trung, có đầu óc cải cách, sẽ  được bầu lên và chiếm phần đa số, nhưng chuyện này khó xảy ra.  Nếu một loạt những vụ giải phóng mới có xảy ra được thì mới là một  thắng lợi bao trùm của những kẻ cải cách ấy.”

 

Chuyện không phải là giống như những con cọp non trong đảng đang  muốn bỏ rơi mô hình xã hội chủ nghĩa, vứt bỏ hệ thống độc đảng, tư  hữu hóa mọi công ty quốc doanh, đổi lại tên Công Viên Lenin và  đóng cửa Trường Dạy Tư Tưởng Hồ Chí Minh đâu. Nhưng họ thực sự  muốn nhảy vào phía sâu của chiếc hồ bơi của nền kinh tế toàn cầu,  với chiếc phao hộ mạng là bản thỏa ước mậu dịch mới ký với Hoa  Kỳ.

 

Bản thỏa ước mậu dịch song phương đã được chính thức hóa và ký  kết - sau một năm trời đánh vật bên trong Bộ Chính Trị - nhưng thỏa  hiệp ấy vẫn còn phải được Quốc Hội Việt Nam và lưỡng viện Quốc  Hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Cuộc tranh luận tại Hoa Thịnh Ðốn đang  được trông chờ là sẽ xoay quanh thành tích đáng nghi ngờ của Hà Nội  về vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng, tức là một mô thức có thể  sẽ vẫn được tiếp tục dưới một Bộ Chính Trị vốn đã bị giới bảo thủ  của đảng Cộng Sản khống chế.

 

Ngày thứ nhất của đại hội sẽ gồm những bài diễn văn, báo cáo, vỗ  tay theo nghi thức và một vụ đọc trước công chúng những mục tiêu  trong kế hoạch kinh tế ngũ niên mới của đất nước.

 

Theo lời một nhà kinh tế Tây Phương, “những mục tiêu lần này tốt  hơn là không nên quá cao. Nếu những nền kinh tế Hoa Kỳ và Nhật  Bản vẫn tiếp tục đứng yên thì Việt Nam sắp sửa gặp rắc rối to.  Không, không phải là sắp sửa. Mà họ đã gặp rắc rối lớn rồi.”

 

Trong ngày thứ nhì, đại hội sẽ bầu lên một Ủy Ban Trung Ương mới -  hầu như chắc chắn là sẽ có số người nhỏ hơn là 170 ủy viên hiện nay  - và ủy ban đã bị cắt xén bớt nhân sự này sẽ mau chóng bắt tay vào  việc bầu ra một Bộ Chính Trị mới.

 

Tất cả mọi chuyện này có thể hoàn tất trong hai ngày, bốn ngày tại  vòng ngoài, phần lớn là vì hầu như mọi chuyện đã được giải quyết  xong ngay cả trước khi các đại biểu đặt chân đến Hà Nội.

 

Những vụ thay đổi chính sách và nhân sự đã được thỏa thuận xong  xuôi trong những buổi họp hoàn toàn khép kín của Ủy Ban Trung  Ương, gọi là khoáng đại. Một số phiên họp khoáng đại đã kéo dài  một tuần hoặc lâu hơn nữa, và phải mất đến 12 phiên họp như vậy  mới đưa đến kỳ đại hội từng bị nhiều lần đình hoãn này. Những người  trong cuộc cho biết là vụ đánh nhau trong nội bộ chưa bao giờ dữ dội  như lần này.

 

Những thủy thủ và ngư phủ Việt Nam không đặt tên cho những trận  bão. Họ chỉ đánh số, và Trận Bão Số Một trên mặt biển quốc hội  năm nay đã là số phận của Lê Khả Phiêu.

 

Là tổng bí thư đảng Cộng Sản, ông Phiêu, năm nay 69 tuổi, là người  có quá nhiều quyền lực hơn ai hết tại Việt Nam, mặc dầu bộ ba đang  cầm quyền tại Hà Nội cũng gồm cả một chủ tịch nước (Trần Ðức  Lương) và một thủ tướng (Phan Văn Khải). Nếu người tổng bí thư của  đảng Cộng Sản mà là tổng thống Hoa Kỳ thì tất cả mọi người khác  đều chỉ là bộ trưởng thương mại mà thôi.

 

Ðảng ấn định ra những chính sách lớn, giọng điệu và hướng đi cho cả  nước, trong tất cả mọi chuyện từ kinh tế và đối ngoại đến tư pháp,  quân đội và tôn giáo. Sau đó mới đến công việc của thủ tướng và  chính phủ là thi hành những chi tiết vi mô về những gì mà tổng bí thư  và Bộ Chính Trị đã quyết định trên cấp bậc vĩ mô.

 

Trong việc đi đến đại hội lần này, ông Phiêu đã bị chỉ trích gắt gao vì  lối lãnh đạo lộn xộn và không có hiệu quả của mình, đặc biệt là việc  ông đã không đối phó được với nền kinh tế lắng đọng của Việt Nam  và không tìm ra được phương thuốc cho bệnh tham nhũng trong nội bộ  đảng. Là một cựu chính ủy trong quân đội, ông được coi là một lý  thuyết gia cứng rắn, một người phải bịt mũi khi phải ký vào những vụ  như thỏa ước mậu dịch với Hoa Kỳ.

 

Nhiều nhà quan sát tin rằng những vụ nổi loạn gần đây của nông dân  thiểu số sắc tộc tại miền cao nguyên Trung Phần sẽ đổ dầu thêm vào  vụ bất mãn với sự lãnh đạo của ông Phiêu.

 

Một nhà học giả Hoa Kỳ cho hay: “Nhưng ông ta dường như đã tụ tập  được những người ủng hộ mình trong vài tuần lễ gần đây. Ông đã  thuyết phục được nhiều người rằng bây giờ không phải là lúc làm xáo  trộn việc chuyển tiếp quyền hành lãnh đạo.”

 

Ông Phiêu cũng chẳng phải là một con người phức tạp trên thế giới,  nhưng ông cũng không ngượng ngùng gì về vụ công bố những thắng  lợi lớn lao và một tương lai vinh quang cho chế độ cộng sản Việt Nam.  Ông còn đi vào một cuộc tranh cãi về lý tưởng với ông Bill Clinton khi  ông này thăm viếng Việt Nam vào tháng Mười Một năm ngoái.

 

Một trong những cố vấn bị ngỡ ngàng của ông Clinton đã phải thốt  lên sau khi được chứng kiến vụ cãi qua cãi lại giữa hai vị lãnh đạo  này rằng: “Tay này là một kẻ thoái hóa.”

 

Ông Abuza cũng cho biết: “Dù ai là kẻ lên nắm chức vụ tổng bí thư đi  chăng nữa, tôi cũng không nghĩ là chúng ta nên trông chờ nhiều về  một sự đổi thay, nhất là trong mối quan hệ của Hà Nội với Hoa Thịnh  Ðốn. Việt Nam đang cưỡng lại sự thay đổi mau chóng và tận gốc rễ,  ngay cả sau những vụ chuyển tiếp lãnh đạo. Họ qua sông bằng cách  thăm dò những hòn đá.”

 

Với công việc của mình bị lung lay, ông Phiêu nghe nói đã làm việc  vất vả để tóm thâu sự ủng hộ cho việc tái tranh cử của ông. Ðã có  những lúc ông có vẻ như tuyệt vọng phần nào và sách lược hung hăng  của ông là một sách lược mạo hiểm bởi vì giới chính trị ưu tú tại đây  đang nghi ngờ bất cứ ai có vẻ như có quá nhiều cao vọng hoặc đói  khát quyền hành. Theo từ ngữ cộng sản, cái đó được gọi là “có thái  độ phi dân chủ,” và nó cũng đã làm mai một nhiều người từng có vẻ  như sẽ được lên nắm những công việc ở chóp đỉnh.

 

Ông Phiêu đã dùng đến những vụ đi đêm, trói buộc và dành phần  ngon ngọt như thể ông là một tay trùm băng đảng thời trước tại  Chicago vậy. Ông đã có những vụ ra mắt tưng bừng trong những buổi  tập họp của đảng tại những vùng hẻo lánh, thường bị bỏ quên. Ông  đã chống lại những vụ tấn công của các đối thủ bằng cách xử dụng  ngành truyền thông nhà nước, và cũng gài những bạn cũ, đồng đội cũ  và đồng chí trong đảng vào những tổ chức then chốt của đảng và  những bộ trong chính phủ.

 

 Ông Phiêu đã lên nắm chức vụ từ năm 1997, khi tổng bí thư trước đó  là Ðỗ Mười rời khỏi chức vụ một năm sau khi có đại hội đảng. Một  vài học giả về Việt Nam tin rằng ông Phiêu đang hết sức mong muốn  được bầu lên cho một nhiệm kỳ đầy đủ là 5 năm, nếu chỉ là những lý  do muốn để lại một gia sản và để gỡ thể diện. Họ gợi ý rằng ông  Phiêu có thể đã dàn xếp được một vụ thỏa hiệp với các đối thủ và  đồng ý rời chức vụ trong một hoặc hai năm nữa để đổi lấy vụ bầu ông  lên trong tuần này.