Cựu Tù Cải Tạo Z30-D 

Lên Tiếng Trên Báo Mỹ

 

QUẬN CAM - Lần đầu tiên, một nhật báo Hoa Kỳ, tờ Orange County Register, đã giành riêng một section 20 trang - nhan đề "Camp Z30-D The Survivors 1975-2001" - để viết về những người sống sót từ trại tù khét tiếng nhất của CSVN, do hai phóng viên Anh Đỗ và Phan Trần Hiếu thực hiện.

Mỗi trang có chạy một băng đen, bên trong mang chữ trắng theo mô hình Bức Tường Tưởng Niệm ở thủ đô Hoa Kỳ, để ghi một phần danh sách những người bị chết trong nhà tù CSVN - danh sách này dựa theo tài liệu cung cấp bởi Vietnam Human Rights Watch, một tổ chức nhân quyền.

Theo báo O.C. Register, ban phóng viên đã phỏng vấn hàng chục cựu tù nhân Z30-D và gia đình họ, vừa tại Hoa Kỳ vừa tại VN; đã phân tích hàng trăm trang hồ sơ, trong đó có lời khai của hơn 800 người bị giam vào tù CSVN; và đã phỏng vấn nhiều học giả chuyên về Đông Nam Á.

Kết quả tìm thấy như sau:

- Ước lượng khoảng một triệu người đã bị bắt giam mà không hề có cáo buộc hay phiên tòa chính thức nào.

- Khoảng 165,000 người đã chết trong các trại tù cải tạo của CSVN, theo các bản nghiên cứu phát hành bởi các học viện Hoa Kỳ và Âu Châu.

- Hàng ngàn người bị bạo hành hay tra tấn: tay và chân bị xiềng trong các tư thế đau đớn trong nhiều tháng, da bị sướt gai tre, mạch máu bị chích vào các thứ hóa chất độc hại, tinh thần suy sụp khi nghe tin thân nhân bị giết.

- Nhiều tù nhân bị giam lâu tới 17 năm, theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với hầu hết thời hạn là từ ba năm tới 10 năm.

- Có ít nhất 150 trại tù cải tạo thiết lập sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ 26 năm truớc.

- Một phần ba các gia đình Nam VN có một thân nhân trong 1 trại cải tạo.

Cán bộ CSVN đã từ chối trả lời các câu phỏng vấn của báo O.C. Register, nhưng phổ biến 1 bản văn về các trại tù như sau:

"Sau khi phần phía Nam VN đuợc giải phóng, những người đã làm việc cho hay đã cộng tác với chế độ cũ đã tự trình diện chính phủ mới. Nhờ vào chính sách nhân đạo, khoan hồng và hòa giải dân tộc của nhà nước VN, những người này đã không bị trừng phạt.

"Một số trong đó đã bị đua vào các trại cải tạo để họ sám hối lỗi lầm và tái hòa nhập vào cộng đồng."

Một cách chính thức, có 34,641 cựu tù nhân và 128,068 thân nhân của họ đã vào định cư ở Hoa Kỳ, theo lời Bộ Ngoại Giao. Có ít nhất 2,000 cựu tù nhân sống tại Quận Cam.

Và di sản các nhà tù vẫn tiếp diễn hiện nay.

Các nhà văn, nghệ si, nhà báo và tu si vẫn thường xuyên bị bắt và bỏ tù khắp VN, theo lời các nhà hoạt động nhân quyền.

Tại Quận Cam, nhiều cựu tù thức giấc nửa đêm, run rẫy vì ác mộng. Một số khác thấy mình mộng du, lang thang bất định. Vài người sống trong sợ hãi, chỉ tin vào gia đình. Hàng chục cựu tù nhân từ chối trả lời phỏng vấn của Register, nói là sợ thân nhân ở VN bị công an trả thù. Hầu hết đuợc hỏi đã xin đừng kể tên.

Quận Cam là nơi có cộng đồng đông dân Việt nhất ở hải ngoại - hơn 250,000 di dân Việt nơi đây - nơi còn đuợc gọi là thủ đô tị nạn Việt.