CUỘC TRANH ÐẤU ÐÁNG TỐN PHÍ

 

Hà Nhân  

Từ năm ngoái đến nay, cuộc tranh đấu chống lại âm mưu vẽ ra một hình ảnh chắc hẳn là không tốt đẹp về người tị nạn Việt Nam bằng ngòi bút của hai viên chức ngành văn hóa của CSVN của Trung Tâm William Joiner (William Joiner Center, WJC) thuộc đại học Massachusetts ở Boston vẫn chưa ngã ngũ.  

Các phương tiện truyền thông ở khắp nơi có người Việt sinh sống đã loan tải khá đầy đủ về vụ tranh đấu nói trên. Ở đây chỉ xin lược thuật lại diễn tiến câu chuyện để độc giả tiện theo dõi bài viết này.  

Ðầu năm 2000, WJC được tổ chức Rockefeller Foundation tài trợ, đã mở một chương trình nghiên cứu trong 4 năm nhằm xác định đặc tính và nơi sinh sống của khối người Việt lưu vong. Giám Ðốc WJC là Tiến Sĩ Kevin Bowen. Người đứng ra điều hợp việc tìm người tham gia nghiên cứu là giáo sư Nguyễn Bá Chung, mà theo dư luận cộng đồng người Việt ở Massachusetts thì ông này là một người thân CSVN, từng làm nhiều việc hỗ trợ cho đảng CSVN và chính quyền Hà Nội của họ.  

Ðể tiến hành việc nghiên cứu cho năm đầu tiên, WJC đã mời 4 người tham dự nghiên cứu. Ngoài hai nữ nghiên cứu gia là Michelle Janette, giáo sư đại học, Caroline Kiều Linh, tốt nghiệp cao học (gốc Việt trưởng thành ở Mỹ), còn có hai nhân vật đang làm việc cho chính quyền CSVN được WJC gọi là học giả. Ðó là các ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. Hai ông này là cán bộ trung cấp ngành văn hóa. Ðiều đó có nghĩa là hai nhân vật này phải được chế độ CSVN xem giò xem cẳng về lập trường tư tưởng và hạnh kiểm chính trị mới được trao cho nhiệm vụ giảng dậy khoa văn.  

Không một người nào có chút lý trí mà lại tin rằng những cán bộ đang làm việc cho CSVN sẽ viết những bài nghiên cứu trung thực về những người tị nạn vì thù nghịch với chế độ CSVN. Chắc chắn không thể có. Trong khi ấy, WJC biện bạch quanh co rằng hai nhân vật này là những nhà học giả không làm chính trị và có tinh thần trung thực. Nhưng những lý lẽ mà WJC đưa ra chỉ đánh lừa được người trí thức sa-lông Mỹ, mà không thể lừa nổi một ai từng sống và lớn lên ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.  

Gian ý của WJC lộ rõ ở chỗ thông cáo tuyển ứng viên cho chương trình nói trên không được phổ biến ở những vùng nhiều người Việt định cư ngoài tiểu bang Massachusetts và chỉ loan báo trong thời hạn 28 ngày trước khi khóa sổ. Trong khi ấy, hai người ở Hà Nội hẳn phải được chuẩn bị để hoàn tất nhiều thứ hồ sơ từ lâu, ít nhất cũng vài tháng trước hạn nói trên.  

Các hội đoàn, tổ chức, cá nhân có tên tuổi trong cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đã gửi thư bầy tỏ sự phẫn nộ và phản kháng hành vi không ngay thẳng của WJC. Riêng tại Massachusetts, cộng đồng người Việt đã biểu tình chống lại việc làm của WJC. Hiện nay cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts đang dự định sẽ phản kháng mạnh hơn nữa. Nhưng trung tâm William Joiner vẫn ngoan cố tiếp tục duy trì hai người của Hà Nội trong chương trình.  

Người nêu ý kiến phản kháng đầu tiên đối với vụ này là ông Nguyễn Hữu Luyện, sinh viên Cao Học tại Ðại Học Massachusetts. Ông Luyện là cựu sĩ quan QLVNCH, khóa 4 phụ trừ bị. Năm 1967, ông Luyện phục vụ đơn vị Biệt Kích, chỉ huy một toán nhẩy dù xuống hoạt động ở một vùng phía bắc Vĩ Tuyến 17 và bị bắt giam 22 năm sau mới được phóng thích. Ông Luyện trước sau giữ được khí tiết của người sĩ quan, không chịu khuất phục, nên bị địch biệt giam 11 năm.  

Ông Luyện khởi xướng vụ kiện tập thể chống WJC, viện lẽ trung tâm này đã không đối xử công bình và thẳng thắn với những người có thể đã ứng tuyển vào chương trình nghiên cứu nếu WJC thông báo rộng rãi khắp những nơi có đông người Việt định cư và trên những báo chí của người Việt lưu vong phát hành khắp nơi trên thế giới.  

Vì quyền hạn tự trị rộng lớn của đại học tại Mỹ, WJC có thể có các chính sách giáo huấn theo các quy định riêng. Phe ta không thể kiện WJC về những vấn đề thuộc thẩm quyền tự trị của một cơ sở giáo dục. Nhưng những hành vi cố ý phân biệt đối xử, manh tâm dành thuận lợi cho một loại người này để loại trước những loại người khác bằng những mưu mô lươn lẹo thì những người bị thiệt hại vì không được ứng tuyển có quyền khiếu tố tập thể (class action) trước tòa án.  

Hiện nay đã có 12 người đứng tên khiếu tố tập thể trong vụ mang số 0013252 ở Massachusetts, đứng đầu danh sách là ông Bùi Diễm cựu Ðại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, và nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi khác trong đó có các luật sư Nguyễn Tường Bá, luật sư Nguyễn Văn Chức, ký giả lão thành Nguyễn Tú, Nguyễn Ðạt Thịnh, cây viết Phan Nhật Nam, Trần Minh Xuân, Lê Thành Quang, tiến sĩ Lê Phước Sang, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, tiến sĩ Vương Như Ý. Vụ kiện này có những đặc điểm sau đây:  

- Cơ may thắng hay thua kiện là 50/50.  

- Phí tổn cho luật sư được ước tính khoảng 100.000 MK.  

Mục tiêu chính của việc khiếu tố là dù được hay thua kiện, vụ án này sẽ thành một án lệ tiêu biểu cho một loại tranh chấp về hành vi dùng chiêu bài văn hóa, nghiên cứu để mưu cầu thành đạt mục tiêu chính trị sai trái và bất công, bất lương. Án lệ này sẽ được lưu giữ trong sách vở, văn khố về pháp lý. Ðồng thời khi những tài liệu nghiên cứu nói trên được phổ biến, chắc chắn vấn đề WJC bị khiếu tố liên quan đến tính trung thực của tài liệu sẽ được đi kèm theo tài liệu, gây nghi ngờ về tính chất xác thực đứng đắn của tài liệu.  

Nếu tốn 100 ngàn MK để làm được một việc như vậy thì đó là một giá phải trả không lấy gì làm đắt. Hậu quả do hành vi xuyên tạc lịch sử của WJC và tác động sẽ dành được trong vụ kiện này có thể quan trọng ngang hoặc hơn hẳn vụ Trần Văn Trường ở Nam California, và còn quan trọng hơn nữa về mặt học thuật.  

Tháng vừa qua, WJC đã tuyển thêm một số nhà nghiên cứu trong số này có nhân vật đáng chú ý là Giáo Sư Nguyễn Văn Trung, của Trường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 30/4/75. Ông Trung xưa kia có lập trường phản chiến và thỏa hiệp với phe CSVN. Sau 30/4/75 ông hợp tác với chế độ CSVN ở một mức độ nào đó và được sự nâng đỡ của lãnh tụ CSVN Nguyễn Văn Linh. Nhưng thời gian gần đây từ 1993, ông định cư tại Gia Nã Ðại và thay đổi phần nào thái độ.  

Ông được WJC tiếp xúc và mời tham dự cuộc nghiên cứu phần kế tiếp cho năm 2001. WJC ra quyết định tuyển dụng Trung. Nhưng ông Trung đã rút tên không tham dự. Trong thơ gửi cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts và thơ gửi WJC, ông Trung hoàn toàn ủng hộ quan điểm chống việc WJC để hai nhân vật đang phục vụ cho chế độ CSVN, không hề biết gì về Miền Nam và cộng đồng Việt Nam ở Bắc Mỹ, làm công việc nghiên cứu như nói trên.  

Ông Trung nhắn nhủ WJC rằng những đảng viên người Miền Bắc mà ông quen biết và ngay cả những người Miền Bắc chống chế độ CSVN quyết liệt đều không hiểu rõ Miền Nam vì thiên kiến và vì không có kinh nghiệm sống ở Miền Nam.  

Ông Trung xác nhận việc làm của WJC là xúc phạm cộng đồng người Việt từ Miền Nam Việt Nam và hoàn toàn thông cảm với lý do khiến cộng đồng chống đối hành vi của WJC. Ông nói chính ông cũng thắc mắc về việc mời hai ông Hiến và Chi, không phải vì họ là Cộng Sản mà vì họ không đủ khả năng hiểu biết những vấn đề của Miền Nam ở trong nước cũng như ở ngoại quốc.  

Ông Trung kịch liệt chê trách cách thức làm ăn thiên vị, trái với tinh thần đại học ở Hoa Kỳ, nhất là việc tuyển dụng ông và những người khác vào đợt nghiên cứu thứ nhì chỉ nhằm xoa dịu những bất mãn của cộng đồng người Việt lưu vong.  

Tháng vừa qua, WJC loan báo đã tuyển thêm một số ứng viên cho chương trình năm 2002 trong đó có những người nguyên thuộc Miền Nam Việt Nam lưu vong như cựu tù nhân chính trị Tạ Chí Ðại Trường, Ðặng Tiến, Ðỗ Quyên, Nguyễn Văn Trung... để tiếp tục chương trình 2000-01 sẽ chấm dứt tháng 9/2001. Ông Trung cho rằng WJC muốn dùng ông làm bung xung cho hành vi bất chính của họ.  

Về mặt dư luận nói chung, việc phản kháng của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại có lý lẽ vững vàng và hợp lý. Vụ kiện này có tầm quan trọng đáng kể. Tuy không sôi nổi và căng thẳng như vụ Trần Văn Trường, nhưng có tác dụng sâu xa và lâu dài hơn.  

Vì những lý do ấy, vụ kiện WJC xứng đáng được tất cả mọi người Việt Nam yêu nước tích cực ủng hộ. Số chi phí dự liệu 100 ngàn MK tuy lớn đối với một cá nhân, nhưng không lớn đối với cộng đồng Việt Nam lưu vong. Kết quả dự liệu rất đáng để được mua với số tiền nói trên. Vả lại ngân khoản 100 ngàn MK mới chỉ bằng 1/3 tiền ủng hộ thu được trong vụ Trần Văn Trường.

 

Hà Nhân