Cộng đồng người Việt tại Bắc California

tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4

 

 

 

Tại San Jose, trên 100 hội đoàn và đoàn thể quốc gia cũng như các hội ái hữu đã phối hợp nhịp nhàng với nhau trong việc tổ chức đại lễ vào chiều ngày thứ bảy 28/4 vừa qua tại Santa Clara County Fairgrounds để tưởng nhớ đến các quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì lý tưởng tự do cũng như các đồng bào đã bỏ mình nơi biển cả, trong rừng sâu,trên bước đường tìm tự do hầu thoát khỏi gông cùm cộng sản.

 

Từ 3 giờ chiều người ta đã thấy một rừng cờ VNCH được treo cao nơi cổng chính dẫn vào khu vực đại lễ. Rồi từ 4 giờ chiều, từng đoàn người một nối đuôi nhau tiến vào phía bên trong Fairgrounds nơi một bàn thờ Tổ Quốc rất trang trọng đã được các cụ cao niên thuộc hai Hội Ðền Hùng và Hội Người Việt Cao Niên vùng Vịnh Cựu Kim Sơn phối hợp thiết trí. Một lá đại kỳ VNCH được giăng ngang phía sau bàn thờ làm tăng thêm vẻ trang nghiêm của buổi lễ.

 

Mặc dầu giờ khai mạc được dự trù vào lúc 6 giờ chiều nhưng có lẽ vẫn còn nặng những vấn vương với thời khóa biểu ?cao su? nên mãi đến 7 giờ buổi lễ mới được chính thức khai diễn với lễ rước quốc quân kỳ do các cựu chiến sĩ Hải Quân VNCH thuộc Hội Bạch Ðằng trong những bộ đại lễ màu trắng đảm trách. Kế đó là phần chào quốc kỳ và hát quốc ca Việt Mỹ. Tiếp theo là một phút mặc niệm với phần âm nhạc do ban nhạc của trường Wilcox đảm trách.

 

Cựu Thiếu tướng Bùi Ðình Ðạm, xuất thân khóa 1 trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Cựu Trung Tá Ðoàn Thi, H.T. Thích Giác Lượng và một số vị khác đã được mời đặt vòng hoa trước đài tử sĩ.

 

Trang trọng nhất là phần tế lễ Quốc Tổ và đọc điếu văn truy điệu các anh hùng tử sĩ đã vị quốc vong thân do các cụ thuộc Hội Ðền Hùng và Hội Cao Niên cùng thực hiện.

 

Hiện diện trong buổi đại lễ này ngoài gần 10 ngàn người tham dự cũng như hầu hết đại diện các hội đoàn, đoàn thể quốc gia tại địa phương còn có sự hiện diện của một số viên chức chính quyền tại địa phương như các ông Pete McHugh, Giám Sát Viêh quận hạt Santa Clara, ông Chuck Reed, Nghị viên Hội Ðồng Thành Phố San Jose, nghị viên Forrest Williams, và hai vị đại diện cho ông Manny Diaz và ông David Cortese. Ngoài ra cũng có sự tham dự của ông Thomas Wheatley, Phó Cảnh Sát Trưởng San Jose, ông David Law, đại diện cho Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại quận hạt Santa Clara, và ông Stan Dickenson, đại diện của đảng Cộng Hòa tại quận hạt Santa Clara.

 

Trước khi một số quan khách được mời lên phát biểu cảm tưởng, ông Huỳnh Hớn, điều hợp viên tổng quát của buổi đại lễ đã ngỏ lời cám ơn sự tham dự của rất đông đảo người Việt trong vùng đồng thời nhắc lại ý nghĩa của ngày Quốc Hận Tháng Tư Ðen.

 

Người được mời lên phát biểu đầu tiên là Hòa Thượng Thích Giác Lượng, Chủ tịch Hội Ðồng Liên Tôn Ðoàn Kết Hải Ngoại. H.T. đã lên tiếng kêu gọi mọi người Việt ở hải ngoại cần phải đoàn kết, sát cánh bên nhau để tạo thành một sức mạnh chung hầu yểm trợ cho cuộc tranh đấu cam go với cộng sản để mau sớm giải thể chế độ phi nhân hiện vẫn còn tồn tại tại quê nhà. H.T. đã khẳng định "chúng ta là những người ly hương tị nạn cộng sản, không chấp nhận chế độ cộng sản, nên chúng ta có mặt tại đây ngày hôm nay để tưởng niệm ngày đau buồn của đất nước.". Mặc dù không nhắm vào bất cứ một đoàn thể hay cá nhân nào nhưng lời kêu gọi đoàn kết mà H.T. Thích Giác Lượng đưa ra vào thời điểm này dường như đã được mọi người ngầm hiểu là ám chỉ đến tình trạng chia rẽ hiện đang ngày càng có vẻ lan rộng ngay trong nội bộ của cộng đồng người Việt tại San Jose nói riêng và tại vùng Vịnh. Sự chia rẽ này lộ ra rõ ràng hơn khi một số hội đoàn đã đứng ra tổ chức một buổi tưởng niệm 30/4 khác vào gần như cùng một thời điểm và ngay trong cùng một thành phố. Thậm chí hơn nữa là hiện đang có hai Hội Ðồng Bầu Cử Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Việt Nam nhiệm kỳ 3. Một Hội Ðồng đã tự ghép vào danh xưng thêm hai chữ ?chính danh? như thể muốn nói cho mọi người biết rằng Hội Ðồng Bầu Cử kia là ?không có chính danh? hay ?tiếm danh?. Suốt hai mươi sáu năm qua, công đồng người Việt tại vùng Vịnh có lẽ chưa bao giờ thấy thấm thía hơn về sự chia rẽ trong nội bộ cộng đồng, hay nói cho đúng hơn giữa một số nhỏ cá nhân mà từ đó kéo theo một số hội đoàn phe phái, như hiện nay.

 

Vị khách được mời phát biểu kế tiếp là nghị viên Chuck Reed. Trong bộ áo dài gấm thêu chữ Thọ, ông Reed nói "Mặc dầu Sài Gòn đã thất thủ cách nay 26 năm nhưng cuộc chiến đấu của quý vị vẫn còn tiếp diễn và tôi cầu chúc cho quý vị sẽ thành công để đem lại tự do, dân chủ cho quê hương của quý vị". Ông Reed mặc dù không thực sự đặt chân lên bất cứ một phần đất nào của Việt Nam trong những năm trước 75 nhưng ông cho biết ông cũng đã gián tiếp tham dự vào cuộc chiến tại Việt Nam khi ông phục vụ trong một đơn vị yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ trú đóng tại Thái Lan.

 

Tiếp theo ông Reed, Giám Sát Viên Pete McHugh đã nhân danh Hội Ðồng Giám Sát Quận Hạt Santa Clara để chính thức trao cho ban tổ chức bảng tuyên cáo công nhận ngày 28/4/2001 là ngày tưởng niệm Quốc Hận Tháng Tư Ðen của cộng đồng người Việt tại quận hạt. Ông cũng không quên ca ngợi sự thành công của khối người Việt cư ngụ trong vùng và ông nguyện sẽ sát cánh cùng cộng đồng Việt Nam trong cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam.

 

Lần lượt là những lời phát biểu của các vị quan khách như nghị viên Forrest Williams, Phó Cảnh Sát Trưởng San Jose Thomas Wheatley, ... Nhân dịp này một vị đại diện của Liên Ðoàn Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt đã đọc lá thư của Tổng Thống George W. Bush ký ngày 14/4/2001 gởi Ban Tổ Chức đại lễ tưởng niệm. Qua lá thư, TT Bush đã tỏ ý tiếc vì công việc của ông quá đa đoan nên không thể tham dự buổi đại lễ, và TT Bush đã gởi lời chúc ban tổ chức được thành công tốt đẹp.

 

Mục sư Kiều Tuấn Nam, Chủ tịch hội Ðồng Hợp Tác Tôn Giáo Bắc California, cho biết ông "đến đây để cùng các đồng hương bùi ngùi tưởng niệm ngày mất nước 26 năm về trước; để cùng tưởng niệm và tri ân những quân cán chính đã vị quốc vong thân; và cũng để cùng suy tư cho tương lai đất  nước""kêu gọi các bạn trẻ hãy dấn thân phục vụ cho đồng bào và quê hương Việt Nam".

 

Trong phần phát biểu của mình, ông Chu Tấn cho biết "ngày 30/4 là ngày quốc nạn cho đất nước Việt Nam, cũng là ngày đại tang cho quân dân miền Nam, thế nên hàng năm chúng ta đều bùi ngùi làm lễ tưởng niệm để nhớ lại những hy sinh to lớn đó. Năm nay, buổi tưởng niệm nầy đã được 115 hội đoàn cùng tham gia tổ chức, đó là một luồng gió mới, luồng gió đoàn kết đã kết họp mọi người bỏ qua những dị biệt để cùng ngồi lại với nhau, mong rằng sự đoàn kết nầy sẽ tiếp tục lớn mạnh trong tương lai, nhứt là trong việc bầu cử ban đại diện cộng đồng sắp đến."

 

Cô Tiêu Lan Thy, đại diện cho giới trẻ cho biết "Cộng đồng Việt Nam có thể coi như là một gia đình, có ông, có bà, có chú, có bác, nên trước khi nói chuyện thì phải thưa trình với mọi người, thế thì tại sao chúng ta không thương yêu nhau, không đoàn kết với nhau, không hỏi han, giúp những người bên cạnh nhau? Cháu mong rằng, các chú, các bác, và các anh chị em chúng cháu hãy dẹp bỏ mọi khác biệt mà đoàn kết lại để cùng lo một mục tiêu chung là giải thể chế độ cộng sản tại quê nhà".

 

Ðến khoảng 8:30 tối, trời bắt đầu trở lạnh với những cơn gió nhẹ. Nhưng từ bên trong nhìn ra phía trước vẫn còn thấy những đoàn người nối đuôi nhau tiến về địa điểm hành lễ. Họ ngồi xuống bên nhau để cùng tưởng nhớ đến những giờ phút tang thương nhất của lịch sử dân tộc khi mà gần hai triệu người phải ngậm ngùi, nuốt lệ bỏ nước ra đi, tất cả chỉ vì họ biết họ không thể sống dưới sự cai trị của một tập đoàn vừa ngu dốt, vừa tham lam. Bây giờ 26 năm sau, quê hương Việt Nam còn đó, giải giang sơn mà cha ông chúng ta đã phải đổ xương máu ra bảo vệ vẫn còn đó dẫu rằng tập đoàn lãnh đạo cộng sản đã nhẫn tâm cắt xén một phần đất nơi biên giới phía bắc cho Tàu Cộng và cúi đầu chấp nhận dâng quần đảo Hoàng Sa cho Tàu Cộng nhưng dân tộc Việt Nam vẫn phải sống cuộc sống lầm than, họ phải lo từng miếng ăn, từng manh áo mỗi ngày, trẻ em phải bơ vơ nơi giữa chợ, nạn đĩ điếm lan tràn, .. tất cả là kết quả của 26 năm cai trị ?vô chính sách? của tập đoàn cộng sản Hà Nội. Trong cái không khí se lạnh khác thường của một tối đầu mùa Xuân nơi đất tha hương, người Việt tị nạn đã lòng một lòng cùng nhau nung nấu lại ý chí quyết tranh đấu cho một nước Việt Nam được tự do, dân chủ, và phú cường để xứng đáng là một con Rồng tại Á Ðông.

 

Buổi lễ tiếp diễn với phần văn nghệ đấu tranh với sự góp mặt của rất nhiều ca, nghệ sĩ tại địa phương cũng như từ các nơi xa đến như nữ ca sĩ ?Người yêu của lính? Minh Hiếu, "Tiếng hát liêu trai" Thanh Thúy", cặp song ca Nhật Trường-Mỹ Lan, "giọng ca đầy nhựa" của Chế Linh, và nhiều nhiều nữa. Mỗi bản nhạc là một gợi nhớ về dĩ vãng vừa oai hùng vừa đượm thắm tình người mà trong đó sự hy sinh cao cả của những chàng thanh niên ưu tú đã đi theo tiếng gọi của núi sông được mãi mãi ngợi ca.

 

Giọng hát mang nỗi uất hận của Thái Trang qua bài "Một chút quà cho quê hương" đã làm cho nhiều người không ngăn được những giòng lệ cứ tự nhiên tuôn trào xuống gò má. Họ đã khóc, họ thực sự khóc, họ khóc cho quê hương khốn khổ, họ khóc cho hơn 70 triệu người xấu số đang sống lầm than nơi quê nhà, và có lẽ họ cũng đã khóc để chia sẻ với Thái Trang bởi lẽ họ cũng biết người cha ruột của Thái Trang, thuộc sắc tộc Rhadé, trước đây là một Trưởng Trại Biên Phòng và đã bị cộng sản hành quyết sau khi ông bị chúng bắt.

 

Xen lẫn với phần ca nhạc, các em sinh viên của trường đại học cộng đồng Mission College đã trình diễn rất xuất sắc những màn trình diễn thời trang và hoạt cảnh mang đầy những nét đặc thù của văn hóa Việt Nam. Sự thành công của các em sinh viên trong lần trình diễn này một phần do sự hướng dẫn của bà Nguyễn Lê Hạnh Giao, một giảng viên hiệân đang giảng dậy tại trường Mission College.

 

Phần điều khiển chương trình do nam ca nhạc sĩ Việt Dzũng và xướng ngôn viên Thụy Trinh, cả hai đến từ Nam California, đảm trách cùng với xướng ngôn viên Bảo Phúc và cô Hạ Vân trong phầân văn nghệ. Nữ ca sĩ Bích Ngọc được dự trù sẽ cùng tham gia trong phần điều khiển chương trình văn nghệ nhưng vào những giây phút cuối vì một lý do nào đó mà người nữ ca sĩ này, dù đã có mặt nơi sân khấu, đã không ngăn được xúc động khi phải âm thầm ra về vào khoảng 9:30 tối. Sự thiếu vắng Bích Ngọc, người nữ ca sĩ và cũng là xướng ngôn viên từng xuất hiện trong rất nhiều sinh hoạt chống Cộng tại địa phương từ bao nhiêu năm nay, tại Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, tại Hội Xuân, trong những dịp Kỷ niệm Ngày Quân Lực 19/6, trong những lễ tưởng niệm Quốc Hận 30/4, trong những cuộc biểu dương tinh thần Yểm Trọ Quốc Nội Vùng Lên, v.v.. đã tạo ra một dấu hỏi lớn nơi những đồng hương có mặt trong đêm 28/4 vừa qua. Hy vọng ban tổ chức sẽ mau chóng có những lời giải thích về lý do dẫn đến sự kiện này.

 

Bước sang ngày hôm sau, một cuộc biểu tình tuần hành đã được tổ chức trọng thể tại công viên Saint James ở San Jose với sự tham dự của gần 1 ngàn người. Cũng tại đây một chương trình văn nghệ đấu tranh đã được tán thưởng nhiệt liệt. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đã đưa mọi người trở về với đầu thập niên 60 qua bài "Không Bao Giờ Ngăn Cách" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nam ca sĩ Triệu Phổ đã cùng với Nhật Trường & Mỹ Lan và ca sĩ Nhật Chương hùng hồn trong những bản nhạc rực lửa đấu tranh. Và lần lượt, các ca sĩ Chế Linh, Nhật Linh, Thái Trang, Thanh Thúy, ... đã cống hiến những bản nhạc đượm thắm tình tự quê hương và dân tộc.

 

Phóng viên đài truyền hình số 4 và tờ San Jose Mercury News cũng đã có mặt tại chỗ để ghi nhận những hình ảnh và tin tức về cuộc biểu tình tuần hành tại công viên Saint James.

 

Trước đó, vào lúc 10 giờ sáng tại San Francisco, ngay trước hang ổ của tòa lãnh sự CSVN nằm trên đường California, với sự phối hợp của Hội Ái hữu H.O. San Francisco, Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia Bắc California, và Mặt Trận Quân Dân Chống Cộng Bắc California, một cuộc biểu tình đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm người để phản đối việc Cộng Sản Việt Nam tiếp tục chà đạp lên những quyền tự do căn bản của con người như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, ... Cuộc biểu tình tại đây kéo dài đến 11:30 và đoàn người đến từ San Jose đã kịp quay về công viên Saint James để cùng tham dự cuộc biểu tình tuần hành.

 

Một điểm đáng ghi nhận la sự đóng góp công sức của một số thành viên thuộc Liên Hội Người Việt Quốc Gia Bắc California trong việc tổ chức đại lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận năm nay cũng như công tác thiết trí tại công viên Saint James cho cuộc biểu tình tuần hành.

 

Nhìn vào sự hợp tác của hơn 100 hội đoàn, đoàn thể, để chỉ nhắm vào một mục đích chung là tổ chức cho thật trang trọng và vĩ đại lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4 năm nay một số người đã không ngần ngại khi đưa ra nhận xét rằng rồi ra từ đây những người Việt quốc gia chân chính cũng sẽ ngồi lại với nhau để cùng xây dựng một cộng đồng người Việt tị nạn thật sự biết đoàn kết, thương yêu nhau, để cùng chỉ nhắm vào một mục tiêu chung là góp công sức vào nỗ lực giải thế chế độ cộng sản phi nhân tại quê nhà thay vì chỉ nhắm vào việc bới móc, ganh tị nhau, chỉ vì háo danh hay những quyền lợi cá nhân thật nhỏ nhoi.