CON DẤU CAO SU

 

Hà Nhân

 

Con dấu thời xa xưa ở Việt Nam là vật quan trọng biểu tượng của quyền hành chánh, quyền thống trị. Trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, ấn tín của vua và các quan cũng như viên chức xã thôn được bảo vệ kỹ lưỡng. Khi bàn giao quyền cai trị hoặc một thẩm quyền được ủy nhiệm, người mới nhậm chức nhận bàn giao công việc, sổ sách giấy tờ và sau chót là con dấu, hay ấn tín từ phía người rời chức vụ.

 

Con dấu ngày xưa của vua thì đúc bằng vàng, của cấp nhỏ hơn thì khắc bằng gỗ cứng, gỗ quý, ngà voi, đá quý hay đồng thau nên được gọi là "đồng triện." Thời Pháp Thuộc, viên chức xã huyện như ông lý trưởng, cụ tiên chỉ, các ông chưởng bạ và hộ lại, mỗi người có một con dấu đồng. Các quan tri huyện hay tri phủ, tuần phủ, tổng đốc, có ấn bằng đồng ngoài bài ngà đeo trên ngực. Ðó là những vật thể tượng trưng quyền bính nên nó ăn sâu vào tâm trí con người. Chính nước Pháp cũng ưa xài đủ thứ ấn tín, con dấu. Chế độ thuộc địa vì thế đã khiến người Việt nhiễm nặng thêm bệnh "ký tên đóng dấu" vốn đã có sẵn trong người Việt từ lâu.

 

Con dấu có uy lực riêng của nó. Văn bản nào không có đóng dấu, người ta cảm thấy nó không có uy lực chính trị. Thời kỳ Mỹ bắt đầu liên hệ nhiều với Việt Nam hồi cuối thập niên 1950, người Việt Nam lấy làm lạ rằng văn thư của Mỹ dù quan trọng hay không đều hầu hết không có đóng dấu. Một văn thư cho du học sinh nhập cảnh Mỹ và những quyền lợi như trợ cấp, di chuyển tất cả lên đến hàng chục ngàn mỹ kim, đều do những cấp thấp ký mà không có dấu má gì cả. "Công văn của Mỹ chẳng có con dấu nào, coi trơ trẽn giống như con mèo không lông," có người ví von như thế.

 

Cho nên có thể nói ở đâu có người Việt Nam hình thành một hay nhiều hội đoàn, mỗi hội đoàn gần như đều phải có con dấu đóng lên một phần hay bên cạnh chữ ký cuối văn bản mới được "nể nang." Thời kháng chiến nhiều dân quân đứng gác các trạm kiểm soát hễ thấy giấy nào của dân có dấu đóng đỏ loè là yên tâm cho đi qua.

 

Chính quyền CSVN cũng như VNCH cũng trọng con dấu. Cấp trung ương có quy định hình thức và đường kính dành cho từng cấp. Dĩ nhiên cấp tối cao như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch đảng hay chính phủ dùng con dấu có cỡ lớn nhất. Chế độ CSVN còn quy định rườm rà hơn thành hàng mấy chục loại con dấu. Dấu tròn, dấu vuông, to nhỏ chừng nào, có viền hay không viền, được phân định rất lẩm cẩm.

 

Suốt từ thời xưa - có thể là từ thời thượng cổ - dân Việt ta đã xài con dấu. Ông lý trưởng, ông hương cả nào cũng giữ gìn con dấu của mình cẩn thận hơn cả trông nom vợ con. Ở Miền Bắc, các ông lý trưởng thường gói con dấu và hộp bông nhuốm mực ngay trong túi áo hay túi cạp quần. Mỗi lần có kẻ đến xin thị thực ông mới lấy ra đóng cho một phát, tất nhiên sau khi có lời xin xỏ lễ phép có thể kèm theo đĩa trầu cau hay một phong bì trong bỏ từ 1 đồng bạc Ðông Dương trở lên.

 

Khi bàn giao chức vụ, các ông thường đề phòng, tránh việc vị kế nhiệm dùng dấu vào những việc sai trái với chữ ký mạo danh người tiền nhiệm. Trước khi xuất nhiệm các ông hay tạo một dấu vết đặc biệt trên mặt dấu để làm bằng chứng kín đáo rằng từ khi bàn giao con dấu đã có một vết như thế.

 

Ngày nay ở hải ngoại, các hội đoàn đều có con dấu. Khi đăng tuyên bố, thông cáo, cải chính, minh xác đều có con dấu đóng lên với chữ ký. Khi lục đục nội bộ, phe đi có khi không bàn giao con dấu, hoặc khi chia ra hai phe mới, thì phe đang giữ con dấu có thể không chịu chuyển giao. Nhưng thời buổi cơ khí tân kỳ này trên đất Mỹ, phe chưa lấy được dấu chỉ cần 10 phút lái xe là thuê đúc xong con dấu cao su cho phe mình. Vì vậy việc giữ ấn tín làm con tin không hữu hiệu ở đất tạm dung Bắc Mỹ.

 

Xưa kia ở Việt Nam, vì lý do kỹ thuật nhà in không nhận in cả dấu đóng trên văn bản đăng báo vì rất tốn tiền làm phim và tráng bản kẽm. Ngày nay với máy điện toán, máy in và sao bản, máy rà hình... con dấu và cả chữ ký có thể xuất hiện rất sắc nét và đậm đà trên trang báo với phí tổn nhỏ ai cũng có thể bỏ ra. Vì vậy con dấu và chữ ký có thể đẹp hơn cả nội dung văn bản.

 

Ở Việt Nam quê hương của "ký tên đóng dấu" ngày nay, nhờ du nhập kỹ thuật máy móc tân tiến nên con dấu cũng được tôn sùng rất mực. Nhiều giấy má phải có con dấu Công An Phường, Ủy Ban Nhân Dân xã hay huyện mới được cứu xét. Khi các cơ quan chính quyền có tranh chấp, các viên chức thường so cỡ và loại con dấu của mình với cơ quan kia xem thằng nào to hơn cao hơn để phân định thứ bậc.

 

Báo chí của nhà nước thường khi thuật lại những vụ lộn xộn giấy tờ làm khổ người dân. Thí dụ như chuyện một doanh gia ở Sài Gòn phải ra Hà Nội hai ba lần mới lấy được giấy phép làm ăn chỉ vì không đóng dấu của cơ quan hữu trách trên nhiều nơi khác của bộ hồ sơ ngoài chỗ chữ ký theo đòi hỏi đơn phương của cơ quan chủ quản ở Sài Gòn. Một chế độ cái gì cũng khoác lác khoe tài khoe giỏi mà sang năm 2001 vẫn còn lạc hậu và lủng củng như vậy thì làm sao khá được.

 

Bây giờ nói đến nghĩa bóng của chuyện con dấu. Ngừơi Mỹ có danh từ "dấu cao su" (Rubber Stamp) để chỉ những chức vụ ngồi chơi xơi nước chỉ để gật đầu, tán thành, giơ tay nhất trí với quyết định hay nghị quyết của cấp chủ động. Ðó cũng là trường hợp quốc hội của CSVN.

 

Quốc hội được bầu ra theo khuôn mẫu nhất định, với các đại biểu do Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu theo các danh sách lựa lọc kỹ. Mặt Trận cấp trung ương đã phân bố số đại biểu mỗi khóa quốc hội theo nghề nghiệp, tuổi tác, nam nữ, tôn giáo, sắc tộc rất cân đối, với hơn 85% là đảng viên... Khi tuyên bố danh sách trúng cử, người ta có thể thấy một quốc hội gồm đủ thành phần xã hội rất cân đối và đều hòa đẹp mắt. Nhưng có nhiều vấn đề làm nổi rõ tính "gật" của nó.

 

Ðáng để ý nhất là viên chức hay quân nhân các cấp được bầu vào quốc hội vẫn làm việc ở cơ quan, đơn vị của họ ngoài thời gian họp ở quốc hội. Họ có thể là tướng lãnh, bộ trưởng, thứ trưởng hay vụ trưởng, hoặc thuộc hàng tép riu. Vì thế những đề nghị liên can đến cơ quan của những đại biểu này sẽ không thể được trình bầy và cứu xét một cách công bình nhằm dành phần lợi mà bớt trách nhiệm cho cơ quan, theo lời nhận định của một đại biểu trong phiên họp ngày 20/6/2001.

 

Vả lại, khi một đại biểu còn phải bám vào chức vụ trong chính quyền để có cơm áo, xe cộ, lương bổng thì dứt khoát không thể làm nhiệm vụ đại biểu trung thực mà không sợ áp lực của chính quyền, nhất là trong các vấn đề đụng chạm đến trung ương đảng và chính phủ.

 

Trong khóa họp hiện tại, quốc hội Hà Nội đặt ra vấn đề sửa đổi hiến pháp 1992 của chế độ CSVN. Nhưng theo tin chính thức từ phiên họp thì sẽ không có sửa đổi nào lớn lao ngoài những tu chính một số điều khoản thứ yếu về phương thức tổ chức và hoạt động của một số ngành trong chính quyền. Khó có thể trông đợi CSVN bãi bỏ Ðiều 4 trong HP của họ trong lúc này.

 

Cái "con dấu cao su" này cũng công nhận rằng mình không có khả năng soạn thảo dự luật nên hầu như tất cả dự luật đều do các bộ, ngành thuộc chính phủ đệ nạp. Ðiều này cũng dễ hiểu. Một quốc hội gật gồm một số rất ít có khả năng hiểu biết về chính trị, kinh tế, xã hội... còn đại đa số  là dân ít học hoặc chỉ có khả năng hoan hô đả đảo theo phân công thì làm sao có thể có khả năng sáng tác đề luật.

 

Thời gian mấy năm gần đây các đại biểu quốc hội CSVN đã đuợc phép chất vấn các bộ, ngành trong chính quyền, được quyền chỉ trích một số sai trái trong chính quyền từ trung ương đến cơ sở, những vụ tham nhũng hay lạm quyền. Giới báo chí ngoại quốc có người khen rằng chế độ CSVN đã tiến thêm một bước về hướng dân chủ. Nhưng họ quên không nói rõ là còn bao nhiêu bước mới có dân chủ thực sự để độc giả ước lượng còn phải đợi mấy trăm năm nữa.

 

Người ta dễ thấy việc nới lỏng phê bình chỉ trích chỉ có giá trị của một vở kịch. Các đại biểu không khi nào dám đụng chạm đến những điều cấm kỵ như phê bình Bộ Chính Trị và các ủy viên. Rõ ràng là họ chỉ được thắc mắc và chỉ trích những cấp lãnh đạo thấp hơn trong những vụ việc không làm hại uy tín của cấp lãnh đạo trung ương. Họ không được phép mó đến những lãnh tụ như Ðỗ Mười, Phạm Thế Duyệt dù các lãnh tụ này đã bị những đảng viên đáng tin cậy tố cáo đích danh tội tham nhũng.

 

Còn về lập pháp, các đại biểu "con dấu cao su" hiện đang bàn nhiều chuyện như thủy điện Sơn La, như sửa hiến pháp, tu chỉnh hệ thống phân nhiệm và quản trị các tòa án, loại bỏ hội đồng nhân dân cấp quận huyện, chế độ bổ nhiệm thẩm phán, quyền hạn nhiệm vụ của các Viện Kiểm Sát Nhân Dân. Trong tuần trước, quốc hội CSVN đã thông qua một số luật lệ như Luật Hải Quan và đang tu chính Luật Lao Ðộng, Luật Ðầu Tư...

 

Hôm 28/6/2001, ông Nông Ðức Mạnh đã từ nhiệm chức vụ chủ tịch quốc hội vì đã lên làm tổng bí thư. Người thay thế là Nguyễn Văn An 64 tuổi được bộ Chính Trị chọn lựa và quốc hội phê chuẩn và bỏ phiếu thuận 100%. Tân chủ tịch xem ra không hơn gì người tiền nhiệm.

 

Xem chừng những "con dấu cao su" này sẽ vẫn chỉ làm cái việc đóng dấu sau khi bộ Chính Trị đã ký tên xong.

 

 Hà Nhân