CHIẾN LƯỢC CỐ HỮU

 

Hà Nhân

 

Trong bang giao quốc tế, mỗi chế độ có cách hành xử công việc đối ngoại khác nhau, tùy theo bản chất và khuynh hướng của chế độ ấy. Riêng các chế độ Cộng Sản thường có cách thức ngoại giao giống nhau: giao dịch với các nước mạnh bằng chiến lược kiên trì, lì lợm, ương ngạnh nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Nổi bật vẫn là Trung Cộng và Việt Cộng. Cả hai chế độ này có nhiều điểm giống nhau về nhiều vấn đề.  

Ðối với Bắc Kinh và Hà Nội, những khó khăn lớn nhất là về tôn giáo. Trong khi các đoàn thể chính trị đối lập không thể tồn tại ở Hoa Lục và Việt Nam, thì tôn giáo nhờ có liên kết tinh thần giữa những người đồng đạo nên khó bị dẹp bỏ, và tổ chức giáo hội dễ đứng vững hơn ít ra cũng trong vòng bóng tối.  

Mấy năm nay, chính quyền Bắc Kinh nhức đầu vì giáo phái Pháp Luân Công. Giáo phái này thu hút nhiều tín đồ. Theo chính quyền Trung Cộng thì số tín đồ Pháp Luân Công ở Hoa Lục là khoảng sáu triệu, nhưng theo các nguồn tin bên ngoài thì họ có hơn 10 triệu đệ tử. Khó biết chính xác điều này vì một số tín đồ ít sinh hoạt công khai.  

Trước đây hai năm, chính quyền Bắc Kinh chính thức nghiêm cấm hoạt động của Pháp Luân Công. Sau một năm rưỡi chính quyền thẳng tay đàn áp, hành hạ, sử dụng bạo lực một cách có hệ thống, tuần trước nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ra lệnh tạm ngưng các biện pháp võ lực khủng bố lẻ tẻ. Thay vào đó là thiết lập các lớp “tẩy não” và tiến hành chiến dịch truy quét tín đồ Pháp Luân Công tuần tự từng xóm, từng xí nghiệp, song song với biện pháp võ lực có lớp lang.  

Tín đồ bị đánh đập kể cả đánh bằng roi điện, bị buộc phải ngồi xếp bằng nhiều ngày liên tiếp, đứng úp mặt vào tường hàng tuần lễ. Những biện pháp ngược đãi man rợ của Bắc Kinh được bên ngoài biết rõ và nhiều nước kể cả Mỹ, và các tổ chức từ thiện, tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền nhiều lần lên tiếng công kích Bắc Kinh, đòi hỏi Bắc Kinh chấm dứt việc tra tấn hành hạ như vậy. Nhưng đảng và chính quyền Cộng Sản Trung Hoa vẫn trơ như đá.  

Thỉnh thoảng, Bắc Kinh phóng thích một số tù chính trị có tiếng tăm dù đã tuyên án tù như trường hợp nữ học giả Gao Zhan được ra khỏi Hoa Lục ngay sau khi bị tòa Trung Cộng lên án 10 năm tù nhân khi Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell đến thăm Bắc Kinh. Nhưng Trung Cộng không ngưng đàn áp Pháp Luân Công.  

Tôn giáo tại Hoa Lục và Việt Nam luôn luôn là đối thủ nguy hiểm khó thanh toán của cả hai đảng Cộng Sản. Từ ngày lên cầm quyền, cả hai chế độ đều áp dụng mọi phương chước, mánh lới bằng bạo lực và sắt máu, cương quyết không nhượng bộ tôn giáo tuy rằng biện pháp cụ thể có thể thay đổi tùy tình hình giai đoạn.  

Hiện nay, Trung Cộng đang áp dụng chiến lược cố hữu: Một mặt thống nhất việc hành hạ các tín đồ Pháp Luân Công, Những tín đồ này bị hù dọa, cưỡng bách tẩy não, ép buộc phải từ bỏ Pháp Luân Công, thậm chí bị ép phải tố giác các đạo hữu khác. Song song với hai biện pháp này là chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công, mạ lị giáo phái này như một tà giáo mê tín dị đoan.  

Cuộc tự thiêu hôm 23/1/2001 của 5 tín đồ Pháp Luân Công tại Thiên An Môn một mặt gây xúc động đối với những người dân Hoa Lục chất phác hồn nhiên, nhưng ở một mặt khác, cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng lại khai thác vụ này để phản tuyên truyền chống Pháp Luân Công.  

Theo lệ thường, các hình ảnh về những cuộc chống đối, biểu tình phản kháng như vậy không được phổ biến trên các bản tin truyền hình của hệ thống truyền thông quốc doanh. Nhưng lần này Trung Cộng sử dụng những đoạn phim thu hình cảnh tự thiêu của 5 tín đồ Pháp Luân Công để làm tài liệu dùng vào mục tiêu tuyên vận làm giảm uy tín của giáo phái này.  

Hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh giải thích những hình ảnh ấy theo quan điểm của đảng để bôi bác hành vi tự thiêu và những hành động liên hệ khác của tín đồ Pháp Luân Công là “tà giáo,” là mê tín dị đoan, gây rối loạn xã hội. Ðồng thời, Bắc Kinh cũng áp dụng những biện pháp tẩy não, cưỡng bách một số tín đồ từ bỏ Pháp Luân Công và viết “kiểm điểm” hứa từ bỏ giáo phái này.  

Phối hợp bạo lực và đe dọa với tẩy não và phản tuyên truyền, đảng và chính quyền Trung Cộng loan báo đã thành công khiến giáo phái PLC không còn là lực lượng có khả năng tức thời làm lung lay địa vị độc tôn chính trị của đảng và chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, Pháp Luân Công vẫn còn là một lực lượng tinh thần chống Bắc Kinh trong lâu dài, khó bị tiêu diệt. Vả lại, những biện pháp tẩy não kèm đe dọa và cưỡng bách dù có thành công lúc này nhưng về lâu về dài nó sẽ dễ phai lạt và sẽ để lại những phản tác dụng tệ hại hơn cho đảng và chính quyền Trung Cộng.  

Chắc chắn Bắc Kinh biết như vậy, nhưng họ không có chọn lựa nào khác mà không đòi hỏi sự nhượng bộ. Mà nhượng bộ là bước lùi nguy hiểm vì nó khuyến khích các phe nhóm chống đối khác xuất hiện. Hơn nữa theo một phúc trình của cơ quan an ninh chính trị của Trung Cộng do một viên chức cao cấp ở Bắc Kinh tiết lộ, nếu không bị đánh đập thì các tín đồ Pháp Luân Công sẽ không chịu từ bỏ giáo phái này.  

Về phía CSVN tuy vấn đề tôn giáo có phần khác biệt ít nhiều so với tình hình ở Hoa Lục, nhưng về đại thể thì không khác nhau bao nhiêu. Từ ngày lên cầm quyền, CSVN thường hay làm theo kinh nghiệm của Trung Cộng. Có thể tin rằng Hà Nội sẽ dựa vào thành quả của chiến dịch chống Pháp Luân Công phần nào để quyết định cách đối phó với các tôn giáo lớn trong nước.  

Ðối với Phật Giáo Hòa Hảo, CSVN không ngưng đàn áp bắt bớ lẻ tẻ để hạn chế sức chống đối của các tín đồ chính thống, khai thác mâu thuẫn giữa các nhóm trong giáo hội, bao vây chia cắt khối tín đồ không để họ tụ tập đông đảo trong các đại lễ, và yểm trợ tích cực giáo hội do nhà nước tạo ra.  

Ðối với các tôn giáo khác, CSVN chưa có dịp làm mạnh. Phe Phật Giáo chỉ mới có một số tu sĩ, một số các cao tăng là bị bắt bỏ tù hay giam lỏng. Nhưng CSVN có vẻ e ngại khối Phật Giáo vì con số đông đảo tín đồ. Với Thiên Chúa Giáo, sau nhiều ngần ngại về việc cho mở cuộc hành hương La Vang, nay chế độ CSVN yên tâm hơn khi không có hành vi bạo động tập thể chống chế độ nào xẩy ra nhân vụ tụ tập lớn ở đấy. Dù thế nào chăng nữa tổ chức chặt chẽ của giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng vẫn làm cho CSVN luôn cảnh giác dẫu rằng Hà Nội đang thương thuyết với Tòa Thánh Vatican về vấn đề bang giao và vấn đề hoạt động của giáo hội Việt Nam. Riêng giáo hội Cao Ðài, tuy tổ chức giáo hội quốc doanh có hoạt động nhưng không thu phục được khối đa số giáo dân.  

Ðối với tất cả các tôn giáo, CSVN có thể dùng bạo lực chưa đủ sức buộc giáo dân học tập “tẩy não” trừ trường hợp các sắc tộc thiểu số ở Cao Nguyên Trung Việt.  

Không lâu sau khi đánh dẹp các cuộc biểu tình chống đối bằng võ lực, CSVN đã tiến hành một chiến dịch vừa trấn an vừa trấn áp. Chính quyền Hà Nội cho gửi cán bộ và bộ đội về các ấp người Thượng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” như bài vở cũ mà CSVN đã đem ra xài nhiều lần. Các tỉnh ủy vùng cao nguyên trong 26 năm bỏ quên quyền lợi của người Thượng, nay lại được trung ương đảng tiếp sức bằng một số ngân khoản ít ỏi để giúp đỡ các sắc tộc nhằm xoa dịu họ.  

Các cơ quan được chỉ thị hùa nhau “hướng về miền núi và đồng bào dân tộc ít người.” Riêng vùng này, Hà Nội cho áp dụng chiến dịch “tẩy não” như bài vở của Trung Cộng nhưng ở cường độ nhẹ hơn. Hồi tháng 3 năm nay, Hà Nội cho in và phân phát cho các gia đình người Thượng ở Cao Nguyên Trung Việt hàng vạn tờ chân dung ông Hồ và sách báo tuyên truyền, tiếp vận truyền thanh, truyền hình lên vùng cao, mở thêm chương trình phát thanh bằng tiếng các sắc tộc lớn nhỏ.  

Hai ngày 7 và 8 tháng này, Hà Nội đã mở hội nghị tổng kết công tác thông tin miền núi. Các bài phát biểu và các chỉ thị cho thấy hiện nay CSVN thiếu cán bộ cơ sở trong các ấp người Thượng. Công tác chưa xuất phát từ nhiệt tình mà thường là làm cho có. Do đó chất lượng tuyên truyền kém.  

Những điều đó chứng tỏ chiến dịch trấn an và trấn áp các sắc tộc thiểu số ở Cao Nguyên Trung Việt mới chỉ có báo cáo mà thực chất còn phải xét lại. Yếu tố cần lưu ý là mặc dù luận điệu của chính quyền Hà Nội cho rằng vụ xáo trộn ở Cao Nguyên Trung Việt hồi đầu năm là vì lý do đất đai, không phải là vì lý do tôn giáo, nhưng ai cũng biết động cơ song hành với đòi đất đai là việc đạo Tin Lành ở vùng này bị đàn áp.  

Tình hình mong manh ở Cao Nguyên có thể còn kéo dài, nhất là ở tỉnh Kontum, noi có sắc dân Sedang nổi tiếng chống Cộng và ương ngạnh, kiên trì nhất trong các sắc tộc vùng này. Bằng chứng rõ nhất là Ðại Sứ Mỹ mãn nhiệm Peterson - cứ tưởng mình được giới lãnh đạo CSVN o bế là có thể được cán bộ cấp dưới nể sợ - đã bị đảng ủy và chính quyền Gia Lai (Kontum) không tiếp và không cho đi thăm các nơi. Peterson bị vỡ mặt, và lần đầu tiên lên tiếng than phiền thái độ của một chính quyền CSVN ở địa phương sau 4 năm ton hót Hà Nội hết lòng.

 

 Hà Nhân