Chỉ Cần Một Tiếng

 

Trong cuộc hội thảo tìm cách yễm trợ cho cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân tộc tại nước nhà, tổ chức tại San Diego, trưa ngày 4- 2- 2001, một bạn trẻ của Mạng Lưới Nhân Quyền làm nhiều người khen ngợi. Với cách trình bày gãy gọn, và một dàn ý rõ ràng,  bạn trẻ ấy đưa ra kế hoạch giúp cuộc đấu tranh một cách thiết thực, dễ làm,ai cũng làm được mà không hoặc rất ít tốn kém, dựa trên kỹ thuật cao của Thời đại Tin học. Nhưng đó lại là những đòn hiểm hóc, những độc chiêu rất khó đở cho CSVN. Tóm gọn kế hoạch có hai phần hành, cá nhân làm và tập thể làm.

 

Thứ nhứt, đối với cá nhân, mỗi một người tùy tài tùy sức  chuyển lửa về quê hương. Sử dụng thư, fax, điện thoại, điện thư (email), Internet, trang nhà (webpage), phát thanh. Cắt báo lấy những bài, những hình nói lên khí thế đấu tranh cho tự do tôn giáo, kèm gởi vềâ. Không cần và không nên chuyển về cho địa chỉ người thân quen vì sẽ nguy hại cho người nhận. Trái lại chuyển về cho các dịch vụ du lịch, các cơ quan kinh doanh , các trường học, v.v. Có thể có những người đọc rồi quăng sọt rác. Nhưng cũng có người lén dấu, đem sao chụp cho bà con, bạn bè xem để chứng tỏ mình biết nhiều hay chia xẻ niềm tin và hy vọng của mình. Sẽ có những người sao chụp đem bán lén, kiếm chút tiền " cải thiện" cuộc sống quá nghèo.

 

Ðối với người dân Mỹ, tích cực bày tỏ lập trường hỗ trợ các nhân vật đấu tranh trong nước, bất cứ ở đâu, lúc nào có thể làm được. Lên tiếng ủng hộ, khơi động lương tâm Con Người vốn ghét mạnh hiếp yếu, ghét  quân gian ác hại người tu hiền. Ðối với các viên chức dân cử Mỹ, gọi điện thoại, gởi thơ, nói thẳng trong các cuộc gặp gỡ, tiếp tân, và các giao dịch giữa cử tri và người đại diện. Hay nhứt là gởi tài liệu hình ảnh cắt trong báo, hay do các tổ chức đấu tranh phóng trên computers, kèm theo lá thư nói lên nỗi niềm của người viết, mong vị dân cử lưu tâm trong khi thảo luận, biểu quyết các vấn đề liên quan đến VNCS . Người Việt tại Mỹ là người có ưu quyền, có lý do để nói; và tiếng nói có trọng lượng đối  với các vị nghị sĩ, dân biểu Mỹ. Quý vị ấy cần phiếu của chúng ta; và CSVN thì cần tiền của Mỹ. CSVN không nễ trọng cơ quan quốc tế nhưng vì lý do kinh tế phải nễ trọng chánh quyền Mỹ, trong đó Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao cấp.

 

Bên cạnh việc giúp lời, tùy tài lực, của ít lòng nhiều, người Việt hải ngoại có thể âm thầm giúp tiền và phương tiện cho người tranh đấu trong nước. Việc này phải làm hết sức cẩn trọng và bí mật theo yêu cầu cụ thể; không khéo sẽ làm hại người trong nước. Gởi tam giác và lén lút những máy điện thoại di động, máy computers, máy fax, không cần mới, mua từ Mỹ về để giúp. Những người về thăm quê là những người giao liên ít bị lộ nhứt. Các nhà tranh đấu thừa biết phải sử dụng làm sao các máy móc ấy để liên lạc thông suốt mà không bị kiểm soát. Trong nước hiện nay không thiếu người giỏi tin học, không thiếu người lén nối kết đường dây quốc tế mà bưu điện khó  phát hiện. Cho đến bây giờ VNCS mới bắt được một đôi vụ vì đa sốø những người thực hiện là nhân viên bưu điện, làm để kiếm thêm tiền bù đắp cho số lương chết đói.

 

Những giúp đỡ trên, nói cho cùng, chẳng tốn thì giờ, tiền bạc, và công sức gì nhiều đối với người Việt tại Mỹ. Thường là những việc làm phụ trong những hoạt động hàng ngày của mỗi người. Một vị cao niên đi ra chợ ăn tô phở, mua một tờ báo, thấy hình CSVN đánh một cụ già râu tóc, té và xiểu.  Xem xong báo, cắt và viết vài hàng cho văn phòng dân biểu mình, nói lên sự bất mãn về hành động đàn áp tôn giáo. Gởi thơ cho chùa chiền, cho dịch vụ trong nước, đừng quên kèm theo đôi tài liệu về đàn áp tôn giáo. Tâm niệm rằng, trong nước rất đói tin. Một hình, một tin bên Mỹ coi thường là một tin giật gân ở nước nhà vì chính sách kiểm duyệt nghiệt ngã của CSVN. Cuối tuần đi chơ,ï một phụ nữ tạt qua ký tên mình vào kiến nghị phản đối hành động bách hại tôn giáo do các đoàn thể chủ xướng. Mở email mỗi buổi tối để soát thơ xong, một thanh niên có thể đi vào nhiều trang nhà của các tổ chức xin chữ ký phản đối CSVN đàn áp tôn giáo. Thấy hình ảnh, tin tức xúc động, chuyển tiếp cho bè bạn đọc. Các chứng liệu như thế sẽ được nhân lên.

 

Khó mà nói hết những việc làm phụ, nhơn khi làm công việc hàng ngày. Nhưng năng hiệu của những việc phụ ấy giúp cho công cuộc đấu tranh rất lớn. Giá trị của nó là giá trị quốc tế vận cho cuộc đấu tranh. Sở dĩ CSVN không dám bắt bớ, thủ tiêu các lãnh tụ đấu tranh trong nước một phần lớn là do sức mạnh của các việc làm phụ này tác động vào dư luận thế giới, đánh động lương tâm nhiều chánh quyền. Từ đó nhiều cuộc vận động ngoại giao, áp lực chính trị kinh tế chiềm, nổi, can thiệp công khai, âm thầm của các nước khiến CSVN không dám bạo hành theo thói quen đối với những người chống đối.

 

 Thử tưởng tượng gần 3 triệu người Việt hải ngoại, giờ đây đang ở gần khắp vùng Tây Âu, Bắc Mỹ, đồng lòng mỗi người một tiếng, mỗi lần có dịp là nói, nói chỉ một điều CSVN đàn áp tôn giáo, liệu cộng hưởng sẽ bao lớn. Trong xu thế thời đại kinh tế và dân chủ toàn cầu được cuộc Cách mạng Tin học giúp phương tiện đẩy mạnh, cộng hưởng ấy là một sức mạnh không có mức màn sắt hay tre nào của CSVN cản trở được. Bà con trong nước sẽ mạnh dạn đấu tranh hơn, an ninh của các lãnh tụ sẽ bảo đãm hơn, các nước tự do sẽ áp lực CSVN nhiều hơn, cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, tựï do dân tộc sớm thắng lợi hơn nếu chung ta ở ngoại quốc, chịu đồng lòng mỗi người một tiếng ủng hộ.