CSVN MẠNH HAY YẾU

 

Theo nhận định của Hòa thượng Thiện Hạnh thuộc Tăng đoàn Huế, cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo hiện tại rất nhiều khó khăn so với cuộc đấu tranh năm 1963. Và một hôm có một người phát biểu rằng cuộc cách mạng không đổ máu của quần chúng lật đổ nhà hay đảng cầm quyền độc tài ở các nước Ðông Âu, Nam tư, Nam dương, và Phi luật tân, khó có thể xảy ra tại  Việt Nam. Lý do là vì bộ máy cầm quyền CSViệt Nam sanh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong khói lửa, nên sức kềm kẹp rất mạnh và thâm hậu. Lời phát biểu ấy chưa dứt thì  một người khác tức khắc giơ tay, lên bày tỏ nhận định ngược lại , CSViệt Nam hiện rất yếu. Hội trường trên 250 người, gồm đại diện tôn giáo, cơ quan, đoàn thể, thân hào nhân sĩ của Thủ đô Người Việt tỵ nạn do Giáo hội PGHH Hải ngoại tổ chức mời, nhơn dịp làm lễ Phát Tang cho Bà Nguyễn thị Thu tự thiêu vì tự do tôn giáo, trở nên vô cùng sôi động. CSViệt Nam mạnh hay yếu là một vấn đề đáng được phân tích vì "biết người biết ta  trăm trận trăm thắng". Mạnh hay yếu trong đấu tranh là do thế và lực.

 

CSViệt Nam, từ khi nắm được quyền thống trị đất nước, chưa bao giơ ởø thế yếu như bây giờ. Do ảnh hưởng của công cuộc đổi mới, Ðảng CSViệt Nam mất tính đấu tranh, bị lủng đoạn tổ chức, rệu rả hàng ngũ vì đồng đô la. Tờ giấy màu xanh lá cây êm dịu ấy còn mạnh hơn trọng pháo 155 ly thời chiến. Miểng của nó gây đấu đá nhau, tranh giành quyền bính nội bộ, kỳ thị Bắc Nam, chia rẽ giáo điều đổi mới, phân tán  lập trường thân Trung quốc thân Mỹ. Tình trạng tệ đến mức có người gọi là Ðảng Mafia.

 

Thế ấy càng yếu ở ngoại quốc. Việt NamCS là nước tham nhũng nhứt Á châu, nghèo nhứt thế giới và chà đạp  nhân quyền mạnh nhứt nhì hoàn vũ. CS Trung quốc thay vì đỡ đầu lại ngầm phá Việt NamCS. Mỹ cố gắng mở cửa Việt NamCS để giao thương cũng có nhưng không bằng  để giúp các giá trị tự do, dân chủ tràn ngập lãnh thổ, diễn biến hòa bình tạo thế lâm nguy chính trị cho CS.

 

Trong khi đó thế của lực lượng đấu tranh ngày càng phát triển vững mạnh. Phong trào đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân tộc phát triển sâu rộng, trong mọi tầng lớp quần chúng, khắp hai miền trung, nam kể cả cao nguyên. Cơ cấu lãnh đạo đã thành hình và hoạt động công khai. Tiếp tay với phong trào ấy là các cuộc biểu tình, các khiếu tố tham nhũng liên tục. Không tài nào CSViệt Nam có thể dập tắt nổi. Thời gian, chính nghĩa thuộc về phía đấu tranh trong lẫn ngoài nước.

 

Thêm vào đó là thế quốc tế rất lớn của phong trào do mấy triệu người Việt tỵ nạn CS yễm trợ, vận động và do chính nghĩa của phong trào  phù họp với lương tâm nhân loại và xu thế của thời đại.Trong bất cứ một cuộc cách mạng nhân dân nào, giai cấp thống trị không dập tắt được lực lượng đấu tranh trong thời gian ban đầu khó khăn, thì lực lượng đấu tranh sẽ sống, sinh sôi, nẩy nở, và trưởng thành trên sự suy tàn, sụp đổ và tro tàn của chế độ.

 

Tiếp đến là lực. Về cơ số, lực của bộ máy kềm kẹp CSVN nếu sử dụng được 100%, thừa khả năng giết chết cả 73 triệu người Việt không CS. Ít nước nào dám giữ gần như y nguyên quân số trong thời chiến sau khi hòa bình tái lập. Việt NamCS là một nước có một lực lượng công an, mật vu, dân phòng lớn nhứt  so với dân số. Trừ các nước CS, không nơi nào trên thế giới có một đảng chánh trị nắm trọn quyền bính từ xã ấp đến trung ương, từ hành chánh , trị an, đến kinh tế, chánh trị , văn hóa, xã hội như Ðảng CSViệt Nam.

 

Trong khi đó lưc của phong trào đấu  tranh chỉ gồm những vị lãnh đạo tinh thần, những nhà tranh đấu cho dân và nhân quyền, quần chúng có tín ngưỡng, quần chúng bất mãn, và sự yễm trợ ngầm của quần chúng thầm lặng. Về cơ số đông hơn CS, nhưng là những người đấu tranh lại là những người không  có một tấc sắt trong tay, thiếu phương tiện vật chất mọi mặt.

 

So tương quan lực lượng, Ðảng CS về cơ số mạnh hơn quần chúng đấu tranh. So tương quan thế và lực, thế của nhân dân  lớn hơn Ðảng nhiều. Nhưng sức mạnh do cơ số của Ðảng có nhiều triệu chứng suy giảm. Càng ngày đảng viên tiến bộ càng ly khai, công khai và âm thầm chống đảng càng nhiều. Yếu tố tôn giáo, yếu tố địa phương Nam Bắéc có thể làm bộ máy kềm kẹp, trấn áp của CS bị, không cứng máy thì cũng không thể sữ dụng trọn công suất được. Kinh nghiệm các cuộc cách mạng không đổ máu thời hậu chiến tranh lạnh chỉ rõ. Quần chúng lấy số đông, lấy tín ngưỡng, dùng nỗi bất mãn độc tài, tham nhũng làm chất keo, bao vây, nhà hay đảng độc tài, làm công quyền vỡ ra từng mảng. Những bộ phận tách vỡ này theo sức hút của chánh nghĩa và nhân dân, trở về với nhân dân để khai tửï chế độ độc tài. Ông bà ta ngày xưa có nhiều kinh nghiệm, nói mạnh dùng sức yếu dùng chước; chước là một thứ thế. Khoa học cũng chứng minh điều ấy đúng qua định luật đòn bẩy. Một vật nặng mười lần hơn số cân của con người. Con người dùng đòn bẩy đặt đúng điểm tựa, và chỉ cần dùng một lực nhẹ là có thể xeo lên và lật qua. Cuộc cách mạng nhân dân lật đổ độc tài CS, đang cần những người biết sử dụng cái thế ấy để nhu thắng cang, nhược thắng cường.

 

Vi Anh