BỌN BÁN DA GẤU

 

Ðại Dương

 

Tệ nạn hành chính tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới. Tư bản ngoại quốc than phiền khi mang tiền vào đầu tư. Dân chúng lặt lè.

 

Kiểm điểm cuối năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định "cơ quan Nhà nước vẫn hành dân là chính, sự tha hóa trong bộ máy và đội ngũ cán bộ không giảm... bộ máy hành chính của ta hiện nay vừa quan liêu vừa tham nhũng".

 

Hà Nội không thể che nên phải đưa vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Ðại hội IX "Cải cách và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa".

 

Các biện pháp cải cách và kiện toàn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế được trình bày trong Dự thảo có làm triệt tiêu tệ nạn hành chính tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không? Hay tập đoàn lãnh đạo cộng sản lại chơi trò bán da gấu?

 

Chúng ta sẽ xét trên hai phương diện tổ chức và nhân sự trong bộ máy hành chính.

 

Về phương diện tổ chức.

 

Ban Chấp hành Trung ương đã tự phê "Tổ chức và bộ máy nhà nước cồng kềnh, trùng lắp chức năng..Trung ương và địa phương hành động không ăn khớp..Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan và người đứng đầu chưa thật rõ, còn chồng chéo; cơ chế vận hành và nhiều mối quan hệ còn bất hợp lý".

 

Ðảng Cộng sản tự ý giữ vai trò lãnh đạo và tham mưu cho nhà nước. Ðể có thể chỉ đạo sâu sát, kiểm soát hoạt động của nhà nước nên đảng cần phải lập ra đầy đủ các cơ quan cùng chức năng với chính phủ. Cán bộ hoạt động trong đảng hay chính quyền đều có ngạch trậc như công chức hành chính. Dù cho cố gắng tinh giản biên chế thì bộ máy này cũng to gấp đôi so với các quốc gia khác.

 

Còn áp dụng công thức "đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý" thì bộ máy cai trị vẫn cồng kềnh, trùng lắp chức năng.

 

Ðảng muốn theo dõi công việc nhà nước nên phải lập nhiều đoàn kiểm tra. Trong khi đó, chính phủ muốn tránh sự chỉ trích của đảng nên bắt buộc phải tổ chức nhiều bộ phận thanh tra khác nhau như: thanh tra nhà nước, viện kiểm sát, thanh tra bộ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra nhân dân..Sự chồng chéo chức năng là hệ quả tất yếu của mô hình xã hội chủ nghĩa.

 

Chính phủ sẽ tuân lệnh khuyến cáo của các đoàn thanh tra trực thuộc đảng, của Mặt trận Tổ quốc hay nghe theo sự cố vấn của các đoàn thanh tra do chính phủ lập ra?

 

Bộ máy hành chính trong chế độ xã hội chủ nghĩa vốn cồng kềnh và vô phương tinh giản. Ngày nay, lại thêm chiếc đuôi "kinh tế thị trường" khiến cho bộ máy đó trở thành quá khỗ.

 

Về phương diện nhân sự.

 

Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã sản sinh ra đội ngũ cán bộ như nhận xét của Tiến sĩ Chu Văn Thành và Hà Quang Ngọc trong đề tài "Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay" trên báo Nhân Dân ngày 8/2/2001"Tổng số cán bộ nhà nước 1.4 triệu (không kể lực lượng vũ trang). Số lượng này so với tổng số dân là không lớn, nhưng so với điều kiện kinh tế của đất nước thì lại không nhỏ, nhất là bộ phận sự nghiệp (tức là cán bộ hoạt động cho đảng) tăng với thời gian..công chức phục vụ (y tế, giáo dục, văn hóa) chiếm 84.3%, công chức hành chính 15.7%..Nhìn chung các cơ quan nhà nước, nhất là trong lĩnh vực hành chính đang thiếu công chức giỏi, thừa công chức không đủ năng lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Thiếu công chức thành thạo về hành chính, về pháp luật, công chức hoạch định chính sách và có chuyên môn nghiệp vụ giỏi; thừa công chức vụ việc."

 

Dự thảo đề ra các biện pháp nào để giải quyết tình trạng trên (1) "Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, cải tiến và hiện đại hóa việc giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Mấy thập niên trước, việc cưỡng bách học tập chủ nghĩa Marx-Lenin rất gay gắt và đã sản sinh ra đội ngũ công chức hiện nay. Hà Nội tái sử dụng các biện pháp đã bị phá sản chứng tỏ sự trì trệ của tư duy vô phương cứu chửa. (2) Tính giai cấp vẫn là nòng cốt trong bản Dự thảo "Có qui hoạch và chính sách tuyển chọn người giỏi, đặc biệt chú ý con em công nhân và nông dân". Chủ trương "Hồng hơn Chuyên" đã đào tạo lớp công chức vụ việc (chạy hiệu) trong nhiều thập niên. Ðảng không từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin thì chẳng có cách nào buông lơi chủ trương Hồng hơn Chuyên. (3) Dự thảo đề ra biện pháp trừng trị cán bộ biến chất "Xem xét trách nhiệm hình sự học có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở nơi xảy ra những vụ tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng". Thủ tướng Phan Văn Khải cũng phụ họa với quan điểm này trên hội nghị Tổ chức Cán bộ Chính phủ ngày 14/2/2001 "Nếu cứ để bộ máy trì trệ và không đưa những người hư hỏng ra khỏi bộ máy Nhà nước, thì không thể hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đất nước. Cán bộ, công chức, nếu ai làm sai thì phải kỷ luật nghiêm. Cán bộ chức vụ càng cao thì càng phải nghiêm hơn". Thực tế trả lời ngược lại. Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc bị huyền chức vì tham nhũng nhưng Khải là trưởng cơ quan lại cứ bình chân như vại. Những vụ buôn lậu ma túy, trưởng cơ quan cũng chẳng hề hấn gì. Hành động này, vô hình chung, đã khuyến khích đội ngũ cán bộ dấn sâu vào đường tội lỗi.

 

Ðảng Cộng sản Việt Nam mang tham vọng đẩy mạnh công-nghiệp-hóa, hiện-đại-hóa nhưng lại cưu mang một đội ngũ cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức như bản tin AP ngày 14/2/2001 mô tả "Tờ Pháp Luật tường trình rằng các thanh tra nhà nước cho biết 43% cán bộ phạm tội tham nhũng".

 

Sự kiện này đặt đảng Cộng sản trước vấn đề nan giải. Ðảng có đủ can đảm loại bỏ phân nửa đội ngũ cán bộ kém-năng-lực, thiếu-đạo-đức trong khi họ là bộ phận trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin để thực hiện công-nghiệp-hóa, hiện-đại-hóa? Hoặc tiếp tục lưu giữ bọn ăn hại đái nát để bảo vệ đảng?

 

Tóm lại, biện pháp cải cách hành chính nêu ra trong Dự thảo chỉ nhằm vào 2 mục đích chính.

 

Một là, nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng và sự thất vọng của tư bản ngoại quốc.

 

Hai là, loại bỏ những người không cùng phe đồng thời tuyển chọn phần tử cuồng tín cho guồng máy nhà nước.

 

Vì vậy, cải cách hành chính chỉ là kiểu rao hàng của bọn bán da gấu.

 

 Ðại Dương