Biến Ðộng Tây Nguyên

 

Tây nguyên chưa yên, sự việc đang phát triển và bất ngờ nhất, nó đụng bên trong và ra cả bên ngoài. Tin đưa quân đội lên Tây nguyên dẹp loạn chỉ là tin quá trễ và vụ đụng độ ở Plei Lao xẩy ra từ ngày 10-3, đến nay ba tuần sau mới được chính thức nhìn nhận. Không ém nhẹm được sự việc đành phải nói ra nửa vời để che bớt sự thật. Tin nói các sĩ quan và binh sĩ Binh đoàn Tây nguyên được gửi đến hai tỉnh Gia Lai và Ðác Lắc không làm ai ngạc nhiên. Binh đoàn đó đã có mặt từ lâu.

 

Ngày 9-2, một tuần sau khi nguời dân Thượng biểu tình phản kháng ở Cao nguyên, một bản tin mật từ trong nước đưa ra đã phác họa tình hình nghiêm trọng như thế nào. Không những bộ Công an ra lệnh giới nghiêm ở 6 tỉnh miền Trung mà bộ Quốc phòng cũng bí mật ra lệnh cho quân khu 5 tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường 14 và quốc lộ 1. Trung đoàn 95 của quân khu 5 đóng ở quốc lộ 14 nối liền hai tỉnh Gia Lai và Ðác Lắc. Trong khi đó nguồn tin nói hình như trong quân đội cũng có chuyện bất ổn vì cấp chỉ huy quân khu 5 ngần ngại không muốn dùng quân đội đàn áp dân chúng.

 

Chuyện gì đã xẩy ra trong bộ đội Cộng sản một khi Binh đoàn Tây nguyên đã có mặt tại chỗ? Binh đoàn này hiển nhiên phải gồm một số người dân thiểu số nhập ngũ vì nghĩa vụ quân sự. Người bên ngoài không có cách nào kiểm soát những tin này, nhất là các "nguồn tin giấu tên" xưa nay vẫn hay cho tin các ký giả ngoại quốc cũng thấy im re, có lẽ vì đụng đến "bí mật quốc phòng" anh nào cũng thấy sợ bị mang họa lớn, bởi vậy các ký giả ngoại quốc có mặt tại Hà Nội chỉ có thể dựa theo nhưng tin tức đã được chính thức phổ biến để loan ra ngoài. Thế nhưng câu hỏi "chuyện gì đã xẩy ra" lại nổi bật khi hai người cầm đầu quân đội là Thượng tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng và Thượng tướng Lê Văn Dũng, Tổng tham mưu trưởng, bị ban Chấp hành Trung ương đảng "khiển trách". Nguời ta cho rằng hai viên tướng này sẽ bị bắt buộc phải từ chức. Vì lý do gì vậy?

 

Ngày 24-3, ông Hữu Thọ, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa đảng, họp báo loan tin hai tướng cầm đầu quân đội bị khiển trách vì "sơ suất trong quản lý". Ngày 27-3 báo Thanh Niên loan tin chi tiết về tội trạng tham nhũng của 3 nhân vật cấp cao đã bị Trung ương "cảnh cáo", một hình thức nhẹ hơn khiển trách, nhưng không thấy nói gì về chi tiết tội trạng của hai viên tướng. Hôm sau báo Quân Ðội Nhân Dân loan tin hàng trăm binh sĩ Binh đoàn Tây nguyên đã đến cùng ở, cùng làm với các dân tộc thiểu số ở 9 huyện trong hai tỉnh Gia Lai và Ðác Lắc. Lần đầu tiên kể từ 2 tháng nay, báo của quân đội đã lên tiếng về việc quân sĩ có mặt trong vụ biến động và tin đã loan ra chỉ 4 ngày sau khi Hữu Thọ loan báo "khiển trách" hai nguời cầm đầu quân đội. Tờ "Quân đội Nhân dân" đã từng đăng những bài Xã luận có ký tên tướng Lê văn Dũng, có thể nay nó đã "đổi chủ".

 

Biến động Tây nguyên đã đụng đến những vấn đề có tầm vóc to lớn trong nội bộ và cũng tạo ra những vấn đề đối ngoại nghiêm trọng cho nước CSVN một khi đã hội nhập cộng đồng thế giới để đổi mới kinh tế. Không ém nhẹm được tin về vụ xung đột ở Plei Lao là một điều tai hại. Vụ này xẩy ra chỉ vì một nguyên nhân duy nhất được xác nhận là Công an đã triệt phá một nhà thờ bằng gỗ của đạo Tin Lành do dân Thượng thiết lập để cầu nguyện. Người ta đã nói nhiều đến các nguyên nhân của cuộc biến động Tây nguyên, nhưng lần này mấy chữ "đàn áp tôn giáo" đã được nổi lớn hơn bao giờ hết. Các tổ chức Nhân quyền trên thế giới, nhất là các nhóm tranh đấu cho tự do tôn giáo, đang chỉ trích gay gắt chế độ Hà Nội về những vi phạm quyền tín ngưỡng của người dân, vụ phá nhà thờ Tin Lành ở Plei Lao chỉ là việc đổ dầu thêm vào ngọn lửa đã bốc cháy. Ngọn lửa Tây nguyên còn tiếp tục.

 

Biến động Tây nguyên còn dính líu đến một vụ khác ở ngoài biên giới, đang được dư luận thế giới theo dõi. Ðó là vụ 24 người dân Thượng Tây nguyên đã trốn chạy qua Cam Bốt. Những biến chuyển mới nhất trong tình hình Tây nguyên đã minh chứng cho lý do những người này phải bỏ nước ra đi. Và có thể còn cả ngàn người nữa đã trốn qua Cam Bốt để tránh nạn đàn áp của Cộng sản. Hà Nội đã đòi Cam Bốt trao trả 24 nguời bị bắt, nhưng hội Ân xá Quốc tế, tổ chức có uy tín nhất tranh đấu cho quyền tị nạn, đã lên tiếng. Cao Ủy Tị nạn LHQ cũng đòi phỏng vấn những người này. Hà Nội tố cáo hội Ân xá Quốc tế can thiệp vào việc nội bộ, nhưng không thấy nói gì đến Cao ủy Tị nạn. Thủ tướng Hun Sen nói sẽ trao trả những người này cho Việt Nam. Hun Sen là người đã được Hà Nội dựng lên làm Thủ tướng sau khi quân đội CSVN xâm chiếm Cam Bốt năm 1979. Nhưng Hun Sen ngày nay không phải là lãnh tụ duy nhất ở Cam Bốt, Quốc trưởng vẫn là Norodom Sihanouk và Chủ tịch Quốc hội là Hoàng tử Ranariddh của đảng Bảo hoàng.

 

 Vụ 24 người Thượng có thể nổ thành một vấn đề quốc tế lớn. Trao trả những người tị nạn chính trị về Việt Nam hiển nhiên là đưa họ về một nơi chắc chắn họ bị ngược đãi, làm tội, trái hẳn với công ước quốc tế và Hiến chương LHQ. Còn nếu không trao trả, mối quan hệ Việt-Miên sẽ có thêm rắc rối vì từ mấy năm nay vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn căng thẳng với các vụ lấn đất và xung đột địa phương. Những người thuộc đảng Bảo Hoàng vẫn nhìn Hà Nội với con mắt không mấy thiện cảm. Mối quan hệ Việt-Mên-Lào đang trở thành một vấn đề chiến lược nghiêm trọng cho Hà Nội. Chúng tôi nghĩ vì vụ Tây nguyên cũng nên nhìn đến vấn đề này. 

 

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh