Bất Thường Nội Bộ Ðảng

 

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh

 

Mặc dù bộ Ngoại giao Hà Nội đã lên tiếng cải chính rất mau lẹ, chúng tôi nghĩ nguồn tin đầu tiên của Thông tấn Kyodo nói Nông Ðức Mạnh thay thế Lê Khả Phiêu là tin khá chính xác. Nếu là “tin đồn vô căn cứ”, không bao giờ nó có những chi tiết cụ thể như trong cuộc họp của Trung ương đảng lần này, 90% số phiếu đã bầu cho Nông Ðức Mạnh, còn Lê Khả Phiêu chỉ được 49% số phiếu. Nguồn tin còn chi tiết đến độ cho biết Phiêu đã xin biểu quyết lại, nhưng Trung ương đã bác bỏ lời yêu cầu. Chi tiết đó đã nói lên một thực trạng người bên ngoài đã nhận thấy từ lâu là Phiêu đã nỗ lực phấn đấu đến cùng nhưng nay hiển nhiên đã thất bại. Tin tiết lộ không phải chỉ có “ý đồ xấu” nhằm vào sự mất chức của Phiêu mà còn kể đến những chuyện khác như quyết định giảm số ủy viên Trung ương xuống còn 130 người. Lời cải chính của bộ Ngoại giao thực ra chẳng có gì để cải chính hết. Bởi vì bản tuyên bố do Phan Thúy Thanh đọc chỉ nói đến một thông lệ hiển nhiên ai cũng biết “Ðại hội đảng sẽ quyết định”. Cố nhiên luật lệ đảng là vậy, nhưng đúng ra Trung ương quyết định còn đại hội đảng chỉ biết gật đầu đóng triện hợp thức hóa. Cũng vì thế nên bộ Ngoại giao nói trước ngày gật đầu, tin tức chỉ là đồn đại.

 

Mặt khác điều đáng chú ý là “tin đồn” nói các văn kiện như báo cáo chính trị, chiến lược xã hội kinh tế 10 năm và kế hoạch phát triển 5 năm đã được hoàn tất. Chúng tôi vẫn nghĩ vấn đề nhân sự không quan trọng bằng vấn đề chủ trương đường lối, mặc dù nhân sự và chính sách đều có tương tác lẫn nhau. Quyết định về chính sách, rồi chọn nhân sự để thi hành chính sách đó. Bản tin sơ khởi không nói đủ chi tiết về chính sách nhưng hãy nhìn đến nhân vật được Trung ương chọn với đại đa số phiếu.

 

Nông Ðức Mạnh là người gốc Tầy ở Việt Bắc (còn gọi là người Thổ), sống trên biên giới Việt-Hoa ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh Móng Cáy, lan qua cả lãnh thổ hai tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây của Trung Quốc. Mạnh đã là ủy viên bộ Chính trị từ năm 1991 và đến năm 1992 rất bất ngờ được cất nhắc lên đến một chức vụ cao nhất với một người Tầy là Chủ tịch Quốc Hội. Vì thế cũng vào thời điểm đó ở Việt Nam có tin đồn đại do những kẻ ghen ghét tung ra Nông Ðức Mạnh là con riêng của Hồ Chí Minh vì ông này đã ẩn náu ở Cao Bằng vào đầu thập niên 40. Không có nguồn tin độc lập nào xác nhận tin đồn này, nhưng sự thật Nông Ðức Mạnh là người còn trẻ và có học thức hơn so với lớp lãnh đạo già kỳ cựu của đảng.

 

Sự thăng tiến địa vị của Mạnh đã bắt đầu khi công cuộc đổi mới kinh tế Việt Nam được phát huy với sự hồ hởi tiên khởi của toàn đảng. Người ta cho rằng Nông Ðức Mạnh thuộc khuynh hướng “đổi mới” vì đa số ủy viên Trung ương bầu cho Mạnh là thuộc phe đổi mới. Có thể Mạnh được tín nhiệm vì ông ta đã có tư cách và lập trường khá rõ trong 10 năm qua. Clinton và Putin khi đến thăm Việt Nam đều đã hội kiến với Nông Ðức Mạnh. Các nhà ngoại giao tiên đoán khi Nông Ðức Mạnh làm Tổng bí thư đảng, đổi mới kinh tế sẽ được xúc tiến mạnh. Sự tiên đoán này có đúng không? Hãy nhìn qua một số sự việc.

 

Trước hết về tình hình đại hội đảng năm 1996. Lúc đó việc lựa chọn nguời làm Tổng bí thư đảng đã gập khó khăn vì sự kình chống nhau giữa hai phe bảo thủ và đổi mới. Nông Ðức Mạnh đã được phe đổi mới tiến cử làm Tổng bí thư từ năm 1996, nhưng phe bảo thủ lấn lướt, rút cuộc đảng phải tạm lưu nhiệm Ðỗ Mười với sách lược “đổi mới kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa” và “quốc doanh lãnh đạo kinh tế quốc dân”. Sự kình chống tiếp tục, nhưng đến cuối năm 1997 hai phe phải dung hòa bằng biện pháp chọn một anh “đỗ vớt” là Lê Khả Phiêu. Bây giờ tại sao sự dung hòa không còn nữa? Ðó là vì phe bảo thủ đã mất thế đứng, kinh tế đã lâm nạn, đầu tư ngoại quốc ra đi và tham nhũng đã làm nát đảng. Nhưng có một lý do khách quan nhất là thời thế đã thay đổi, nước Việt Nam dưới chế độ Cộng sản không thể bất chấp những thay đổi của một nền kinh tế thế giới đang chuyển dần đến thế toàn cầu hóa. Sự dung hòa tạm bợ giữa hai khuynh hướng trong nội bộ đảng bắt buộc phải nhường chỗ cho sự dung hòa của một chế độ cộng sản đổi mới kinh tế với thực trạng của tình hình thế giới hiện nay.

 

Nhưng chưa bao giờ một Tổng bí thư đương nhiệm lại bị những tin tức truyền thông “hạ bệ” trước ngày đại hội đảng một cách phũ phàng như trường hợp Lê Khả Phiêu. Dù nói đó chỉ là tin đồn do những phe phái đấu đá nhau tung ra, đảng cũng rất khó lưu nhiệm một người đã bị nhiều tai tiếng như vậy. Cách mạng thông tin đã thắng truyền thống cách mạng cũ rích của đảng.

 

Riêng tôi còn nhìn thấy một ý nghĩa quan trọng khác. Phiêu bị hạ bệ vì đã làm việc theo kiểu “người hùng”, nghĩa là muốn độc bá quần hùng trong đảng. Tin nói lỗi lầm của Phiêu có dính líu đến việc “khiển trách” hai tướng cầm đầu quân đội là dấu hiệu đáng chú ý. Ðảng Cộng sản vẫn sợ một kẻ tóm thâu quyền lực độc đoán để rồi chính kẻ đó sẽ làm đảng tan nát như trường hợp Gorbachev. Dù sao khi đã có bầu bán thẳng thắn trong nội bộ, khi đã có hiện tượng chống một kẻ muốn chiếm độc quyền cá nhân và có phê phán quyết liệt của đa số làm mất uy quyền lũng loạn của một thiểu số bảo thủ và tham ô, đại hội 2001 có thể khác với tình hình đại hội 5 năm trước.

 

 Lúc này còn quá sớm để khẳng định những bất thường đó và nói đến một sự đổi mới chính trị. Nhưng muốn có dân chủ để chứng minh thế cầm quyền hợp pháp của mình, bước đầu tiên là đảng Cộng sản phải có dân chủ chính trong nội bộ của mình.