Báo ơn cha mẹ hằng ngày

 

Mỗi năm sắp đến ngày rằm Tháng Bảy âm lịch các đài phát thanh lại cho chúng ta nghe bài Bông Hồng Cài Áo. Bài hát đó nhắc nhở lễ Vu Lan là ngày báo hiếu. Các nền đạo lý của loài người đều bảo chúng ta phải biết ơn cha mẹ. Nhưng đó cũng là một tình cảm tự nhiên của con người. Xã hội nào cũng cần có một ngày lễ để nhắc nhở mọi người bổn phận đối với cha mẹ, nhưng tình cảm tự nhiên sẽ nhắc nhở chúng ta tìm cách bày tỏ lòng biết ơn đó trong đời sống mỗi ngày. Bài Bông Hồng Cài Áo nói mỗi người con đều nên bày tỏ lòng biết ơn một cách cụ thể, như hôm nay trở về nhà sẽ hỏi "Mẹ ơi, mẹ có biết rằng con yêu mẹ không?" Đó chỉ là một văn ảnh. Ý nghĩa của văn ảnh đó là mỗi người con phải ý thức tấm lòng yêu thương cha mẹ của mình lúc nào cũng có sẵn, và cha mẹ ý thức tình yêu thương của con cái; khi mọi người bày tỏ tình yêu thương đó, chúng ta tạo nên một thế giới tràn đầy tình yêu.

Thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta ý thức tình yêu thương có sẵn trong mỗi người. Tạo nên một thế giới như vậy chính là báo hiếu, vì thế giới gần gủi với chúng ta nhất là cuộc sống hằng ngày giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ và con cái sống hạnh phúc bên nhau, nhờ thế mà chung quanh ta mọi người hạnh phúc hơn. Gia đình là điểm khởi đầu của các nền đạo lý.

Trong truyền thống Á Đông, chúng ta không coi cuộc đời của mỗi người là một điểm độc lập, mà mỗi người đều ràng buộc với các thế hệ trước và sau mình trong một dòng sống liên tục. Mỗi người đều được hưởng phước đức từ đời cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại, và mỗi người có bổn phận đóng góp vào kho tàng phúc đức đó, để dành cho đời con, đời cháu. Ý niệm về phước đức cho chúng ta một quan niệm sống rất đẹp, rộng rãi hơn, vượt cao lên trên tinh thần cá nhân chủ nghĩa rất phổ biến trong xã hội Tây phương mà chúng ta đang sống. 

Xã hội Tây phương đề cao cá nhân, đó là một di sản của những thế kỷ cách mạng chống lại những quyền lực nhân danh tập thể, dù đó là uy quyền tôn giáo hay chính trị. Khuynh hướng đó rất đáng bảo tồn trong gia tài văn hóa nhân loại, vì nhờ thế tạo được tinh thần trách nhiệm cho mỗi người. Khi đặt nặng giá trị và vai trò của mỗi cá nhân, người ta cũng bảo vệ đuợc các quyền tự do mà các thế lực nhân danh tập thể đe dọa tước đoạt. Và từ khi có những cuộc cách mạng đòi tự do cá nhân, loài người đã bước những bước tiến lớn lao về kinh tế, chính trị cung như văn hóa.

Tuy nhiên, khi lịch sử tiến về một hướng nào đó, sẽ có ngày loài người chúng ta đi quá xa về một phía, bỏ qua không nhìn thấy các chân trời khác; và sẽ đến lúc phải dừng chân suy ngẫm lại. Đề cao chủ nghĩa cá nhân mãi, xã hội sẽ dần dần quên mất rằng chúng ta không phải là những đon vị biệt lập, chúng ta không thể sống lẻ loi. Loài người không thể bỏ mất các giá trị vượt trên cuộc sống của từng đơn vị con người, những giá trị phát xuất từ cuộc sống gia đình, xóm làng, cộng đồng, v.v.. Từ thế kỷ 18 triết gia người Pháp Alexis Tocqueville đã nhận xét một xã hội dân chủ như nước Mỹ đặt nền tảng trên những cộng đồng tự nguyện tập họp thành xã hội công dân. Truyền thống đó là nền tảng của sự thành lập quốc gia dân chủ tự do đầu tiên trên thế giới này. Gần đây, những triết gia đuong đại ở Mỹ như Robert D. Putman đã báo động về tình trạng xã hội Mỹ càng ngày càng giảm bớt các liên hệ của những cộng đồng nho nhỏ, qua hình ảnh người ta bây giờ hay đi chơi bowling một mình chứ không chơi trong các hội tự nguyện nữa. Guồng máy chính phủ ngày càng lớn là một lý do khiến người Mỹ phó mặc rất nhiều chuyện cho nhà nước, vai trò của các hiệp hội và cộng đồng tự nguyện giảm bớt đi. Do đó, mối keo sơn gắn liền xã hội Mỹ cũng bị tan rã, quốc gia này có thể trở thành một tập hợp của những con người cô đon. Bao nhiêu tệ nạn xã hội sinh ra từ tình trạng tan rã đó.

Cùng với những lời báo động trên cũng vang lên những lời kêu gọi phải củng cố những giá trị gia đình. Nhiều nhà xã hội học cho rằng cuộc cách mạng tinh thần đang diễn ra trên đất Mỹ, nhấn mạnh đến các giá trị gia đình, cũng một phần do ảnh hưởng của lớp di dân mới vào nước Mỹ, trong đó có nguời gốc La tinh và người Á Đông. Đó là những sắc dân vốn có truyền thống gia đình rất mạnh, và họ mang theo truyền thống đó vào nước Mỹ. Chúng ta hy vọng đó là sự thật, nhờ thế người Việt Nam ở Mỹ có thể đóng góp một hệ thống giá trị tốt đẹp vào đất nước này.

Ngày lễ Vu lan là một dịp để chúng ta biểu dương tuyền thống gia đình Việt Nam, như một đóng góp vào nền văn hóa nhân loại đang thể hiện ở một nước của những người di dân tứ xứ. Đối với trẻ em gốc người Việt Nam đang sống ở Mỹ, đó là phương pháp dễ hiểu và dễ hấp thụ nhất để dạy các em về đạo hiếu. 

Các bạn trẻ từ 25 tuổi trở xuống khó đón nhận các giá trị khác với những điều họ nhìn thấy trong cuộc sống ở nước Mỹ, trên ti vi, tại trường học, giữa đám bạn bè, nếu không có lý do mà họ thấy hợp lý. Nói tới Đạo Hiếu mà chỉ nhân danh đức Khổng Tử hay kể chuyện Bồ tát Đại Hiếu Mục Kiền Liên thì các bạn trẻ sẽ rất kính phục, nhưng không chắc đã hiểu đến mức nhập tâm (internalise), nghĩa là biến thành hành động và thói quen. Nhưng các bậc cha mẹ ở đây không cần nói riêng về đạo Hiếu, mà chỉ cần trình bày Tinh thần Gia đình như một giải pháp mà nhiều nhà trí thức Mỹ đã nêu lên cho chính nền văn hóa của nước Mỹ. Khi Tinh thần gia đình được nuôi sống, đuợc củng cố cho vững mạnh hơn, thì xã hội sẽ hòa hợp, bớt tội ác, bớt tệ nạn hơn. 

Quan trọng hơn nữa, các bạn trẻ đều hiểu đuợc một điều, là mỗi cá nhân không thể đạt tới hạnh phúc một cách lẻ loi. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi những người chung quanh không đau khổ. Chúng ta hạnh phúc nhất khi chia sẻ hoặc mang lại hạnh phúc cho người khác. Mà gia đình là tập thể gần gủi và dễ tiếp cận nhất để mọi phần tử trong đó có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Gia đình hạnh phúc không phải chỉ nhờ những người sống trong một đời này mà còn nhờ ơn ông bà đời trước. Ngày lễ Vu Lan cũng là dịp để giảng cho các em về quan niệm Phước Đức của người Việt. Gia đình, trong truyền thống dân ta bao gồm cả những thế hệ trước và sau, chứ không phải chỉ có cha mẹ và con cái. Nếu chúng ta thật lòng tin tưởng rằng đời sống của mình đuợc may mắn có phần nhờ Phúc Đức ông bà, tổ tiên để lại, thì chắc trong đời sống niềm tin đó cũng khiến chúng ta ăn ở có Phúc đức để con cháu đời sau được hưởng. Chúng ta bảo vệ và đóng góp vào kho tàng Phúc đức của gia đình chính là báo hiếu với tổ tiên. Ăn ở lương thiện, giữ danh dự cho gia đình, là đóng góp vào kho tàng Phúc đức. Khi cha mẹ thể hiện niềm tin đó trong đời sống hằng ngày của mình, không cần nói trẻ em cũng hiểu đuợc bổn phận các em đối với gia đình như thế nào. Khi tinh thần gia đình được vững vàng bền chặt thì chúng ta không cần giảng về đạo Hiếu, con em chúng ta cũng biết thực hiện lòng biết ơn cha mẹ, không phải mỗi năm một lần, mà ngay trong đời sống mỗi ngày.

Cho nên ngày Vu Lan chúng ta có thể theo lời khuyên của bài hát Bông Hồng Cài Áo, ý thức rằng cuộc sống mỗi người gắn liền với gia đình, với tổ tiên, và bày tỏ tình yêu thương với mọi người trong gia đình. Không phải chỉ các người con nên nhân dịp này hỏi "Mẹ có biết ràng con yêu mẹ không?" Các vị phụ huynh cũng nhân dịp này cho con cháu biết mình chịu ơn tổ tiên ông bà như thế nào, và mình thương yêu con cháu biết bao nhiêu nên luôn luôn ăn ở cách nào để con cháu đời sau đuợc hưởng phúc đức do ông bà để lại.

NGÔ NHÂN DỤNG