BÀI BẢN CŨ HẾT LINH ỨNG!

 

Hà Nhân  

Ngay sau khi Ðại Hội 9 của Ðảng CSVN năm 2001 kết thúc cuối tháng 3, hội nghị ban Chấp Hành Trung Ương đã họp lần thứ nhì. Hội nghị này ra chỉ thị tiếp tục thi hành Nghị Quyết của Hội Nghị Trung Ương Ðảng khóa 8 (sau ÐạiHội 8) lần thứ 6, kỳ 2 (họp từ 25/1/1999 đến 2/2/1999).  

Nghị Quyết này nói về những vấn đề "cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng." Mục tiêu của nghị quyết đòi hỏi toàn đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ chốt từ trung ương đến cơ sở. Cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng được phát động ngày 19/5/1999 và dự trù hoàn tất vào ngày 19/5/2001.  

Nhưng trong kỳ Ðại Hội 9 đảng CSVN hồi tháng 3 vừa qua đã nhận định rằng "Qua gần 2 năm thực hiện, cuộc vận động đã thu được một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra..." Do đó hội nghị BCH/TƯ khóa 9 kỳ 2 chỉ thị tiếp tục thực hiện hữu hiệu các nghị quyết về việc xây dựng đảng nhất là Nghị Quyết Trung Ương 6 (lần thứ 2) khóa 8. 

Dựa vào đó, hội nghị 2 khóa 9, Bộ Chính Trị ra chỉ thị yêu cầu các cấp trong đảng thực hiện một số công việc như:  

1. Ðảng bộ từng cấp đối chiếu các kết quả kiểm điểm và phê bình theo Nghị Quyết Trung Ương 6 (lần 2) Khóa 8 với yêu cầu của cuộc vận động, khẳng định những việc làm được, không làm được, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm để đề ra các biện pháp cụ thể.  

2. Sửa chữa khuyết điểm sau khi phê và tự phê, giải quyết những vụ rắc rối cũ và mới. Kết hợp NQ Trung Ương 6 lần 2 với NQ 7 khóa 8 sau đó về kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ, đưa học tập chính trị vào nền nếp.  

3. Ðề ra các biện pháp thực hiện hữu hiệu về các việc đảng viên không được làm, các pháp lệnh về chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cán bộ, công chức phải kê khai nhà đất, các tài sản khác, kể cả những ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo đảng và chính quyền. Ðặc biệt là chỉ thị này có nói đến kê khai nguồn gốc tài sản của những cán bộ cho con cái đi du học ở nước ngoài.  

4. Xây dựng tự phê bình và phê bình thành nền nếp thường xuyên.  

Về mặt tổ chức, chỉ thị của Bộ Chính Trị trao quyền chỉ đạo công cuộc nối tiếp thực hiện NQ 6 (2) cho tổng bí thư, bí thư đảng ủy các cấp.  

*  

Hội nghị Trung Ương Ðảng Khóa 9 kỳ thứ 2 là một hành động đầu tiên từ khi Nông Ðức Mạnh được bầu làm tổng bí thư đảng CSVN. Trong hội nghị này không có quyết định nào mới lạ, có lẽ vì trên thực tế không có diễn biến hay tình hình nào mới lạ.  

Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một số đề tài dùng tới dùng lui đã quá mòn đến độ lớp vỏ bị tróc hết để lòi cái cốt bên trong. Chi bằng moi lại cái nghị quyết của hội nghị trung ương từ tháng 1 năm 1999 đem cọ rửa cho sạch bụi bậm và thực hiện tiếp những quy định của nó. Làm như vậy có vẻ giản tiện hơn, đỡ mất công sức phải moi óc nghĩ ra những khẩu hiệu và nghị quyết cùng những thủ tục tiếp theo như thông tư, bình luận...  

Nghị Quyết của BCH Trung Ương khóa 8 kỳ 6 lần thứ 2 là một văn bản dài, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn. Về đảng viên, NQ yêu cầu thực hiện kê khai tài sản. Về tổ chức và quản lý, NQ yêu cầu nghiêm chỉnh minh bạch trong việc đấu thầu, tạo mãi công sản. NQ này chú trọng nhiều nhất vào mục tiêu tích cực chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là chiến dịch tự phê bình và phê bình kéo dài trong 2 năm. 

Nhưng trên thực tế trong hai năm qua, phong trào tự phê bình và phê bình tỏ ra không có mấy kết quả. Các cấp trong đảng có vẻ lơ là, thi hành chỉ thị bên trên đưa xuống một cách thụ động.  

Chiến dịch phê bình vấp phải bệnh ù lì do đời sống của cán bộ đảng viên đói khổ không thuộc bè phái hay phe nhóm nào có làm ăn lớn. Liên tiếp trong hơn 20 năm qua, đã có biết bao nhiêu chỉ thị cấm đảng viên, cán bộ, viên chức chính quyền không được tụ tập nhậu nhẹt với nhân dân. Nhưng càng ra chỉ thị, công an, viên chức phường, huyện càng say sưa, rượu chè.  

Hoàn cảnh đói khó là đồng lõa với tình trạng pháp luật bị coi thường huống hồ qui định kiểm điểm phê bình. Vả lại những lãnh tụ, viên chức bị tố cáo tham nhũng, hối mại quyền thế trong đó có Ðỗ Mười và Phạm Thế Duyệt hiện vẫn lặng thinh không dám ho he lên tiếng thì làm sao bắt buộc được thủ hạ tự phê tự kiểm. Ít ra họ cũng phải đáp lại những lời tố cáo ấy dù là bằng một lý luận chối cãi chăng nữa mới tỏ ra có tư cách tối thiểu của một lãnh tụ.  

Nạn tham nhũng tại Việt Nam nay đã sang giai đoạn giống như lao phổi thời kỳ thứ tư. Nguồn gốc của nó kết hợp chặt chẽ với quá trình chiến đấu của CSVN. Từ những ngày đầu của chế độ CSVN, tầng lớp đảng viên dốt nát được nhồi sọ một thứ chủ nghĩa rất hấp dẫn là chủ nghĩa Cộng Sản, nức lòng phục vụ "cách mạng," cuộc cách mạng theo họ hiểu, sẽ lấy của nhà giầu cho nhà nghèo, và họ là cán bộ, sẽ được trao quyền lãnh đạo thôn xóm xứng đáng với công trạng của họ.  

Khi chiếm được cả nước ngày 30/4/1975, cán bộ, đảng viên đua nhau dành quyền lợi như chức vụ lớn, nhà cửa của kẻ địch, tiền bạc và nhà đất. Cáclãnh tụ từ huyện đến trung ương bị buộc phải thả lỏng cho đàn em thân tín tự do nhận hối lộ, ăn cắp của công, ban phát cho đàn em những vụ chạy chọt ngang tắt, làm lơ những vụ đàn em làm ăn bất chính để kiếm tiền cho bằng các đồng chí khác, coi như để tưởng thưởng cho công lao của những tên đàn em này đã đóng góp cho đảng.  

Quá khứ của các đàn em trung thành tận tụy với lãnh tụ nhờ đó mà lãnh tụ lên giữ những chức vụ lãnh đạo các cấp trong chính quyền có thế lực và có nhiều tiền tạo ra một mạng lưới chằng chịt những sợi dây ơn nghĩa. Mạng lưới này bao phủ hệ thống tham nhũng, hối mại quyền thế, ăn cắp của công, hầu như không một lãnh tụ trung ương nào không vướng mắc cứng ngắc. Rút dây động rừng là tình trạng hết thuốc chữa ở Việt Nam ngày nay.  

Mục tiêu trừ tham nhũng mà Nông Ðức Mạnh, Lê Khả Phiêu, hay bất cứ lãnh tụ nào khác lớn tiếng hô hào, không có kết quả nào đáng kể ngoài một vài vụ có mức quan trọng trung bình và quá lộ liễu không thể che giấu. Trong khi câu hỏi lớn nhất của một số cán bộ lão thành về hành vi tham ô của Phạm Thế Duyệt và Ðỗ Mười bị Bộ Chính Trị phe lờ luôn.  

Ngay như chỉ thị kê khai tài sản cũng chỉ là bài bản cũ của 40 năm về trước, nay không còn tác dụng gì, vì tài sản phi pháp của cán bộ viên chức đều được giấu kỹ, phân tán cho thân nhân và bè bạn thân. Kẻ chủ mưu không dại gì mà đứng tên mình hay vợ con đối với những tài sản không thể chôn giấu như nhà cửa ruộng đất.  

Ngày nào mà chế độ Cộng Sản còn, ngày ấy còn tham nhũng. Và tham nhũng cũng như các tệ nạn xã hội khác ngày càng trầm trọng. Không thể chỉ phê bình, chỉ thị và nghị quyết mà chữa cho chế độ khỏi bệnh tham nhũng.  

Những cố gắng có thể là thành thực muốn cải thiện tình hình của Bộ Chính Trị trong hai giải pháp mà họ cho là quan trọng nhất - phê bình để trừ tham nhũng và tệ nạn trong đảng, và kiện toàn tổ chức cũng như nhân sự - là đường lối đúng. Nhưng các đường lối này không thể thực hiện hữu hiệu vì tất cả những suy bại ở mọi mặt khác cùng với tinh thần sa sút tạo ra điều kiện không thuận lợi cho bất cứ một nỗ lực nào để cải tiến bề trong cũng như bề ngoài của đảng CSVN.  

Hà Nhân