Anh Ngọng Tập Nói

 

Không ai ngạc nhiên trước kết quả Ðại hội đảng lần thứ IX, vì màn gật đầu đóng triện chỉ là một buổi diễn lại kịch đã tập. Nhưng bên lề đại hội lại có các màn độc diễn vui vui. Chưa bao giờ một đại hội đảng lại có nhiều cuộc họp báo bên lề trong khi đảng đang họp như kỳ này. Không phải ngẫu nhiên các ký giả ngoại quốc chú ý đến hai cái đầu bạc tám chín chục bó đã có một thời vang bóng. Cựu Tổng bí thư Ðỗ Mười cố vấn tối cao của đảng sắp hết thời, mặc bộ đồ kiểu Sít-ta-lin-nít và Mao-ít mầu đen của một thời vàng son không bao giờ trở lại. Thế nhưng cái áo không làm nên thầy tu, cái vỏ bên ngoài hào nhoáng là một chuyện, cái ruột bên trong lại là chuyện khác. Cũng như cựu tướng Võ Nguyên Giáp, người hùng của thời chiến năm xưa mặc bộ quân phục 4 sao hàm đại tướng với huy chương đầy ngực, vẫn không che nổi thân phận bại tướng trong thời bình.

 

Tướng Giáp cười giả lả với các phóng viên ngoại quốc nói: "Ðây là một đại hội của dân chủ, đoàn kết, canh tân và tiến bộ". Vui thật, nhưng các đại hội 8 lần trước tại sao không thấy những cái quý đó? Nhà báo chú ý đến tướng Giáp vì vài ngày trước, có tin Giáp đã phàn nàn việc cơ mật "trong nhà chưa biết ngoài ngõ đã hay", ý nói những vụ loan tin lật đổ Phiêu. Nhưng bây giờ ông tướng hết thời lại trở cờ tỏ ý rất hài lòng về Ðại hội làm Phiêu mất chức mặc dù Giáp cũng thận trọng trước gió mới sợ địch bắn lén, nên không nói gì về lãnh đạo mới. Ngoài ra có tin cựu ủy viên bộ Chính trị Nguyễn Ðức Tâm đã tố cáo Ðỗ Mười cùng Lê Ðức Anh đã âm mưu vận động lật đổ Phiêu nhiều tháng trước. Có lẽ vì việc này các ký giả xúm lại phỏng vấn Ðỗ Mười, thành ra màn độc diễn có nhiều đoạn vui nhộn đặc biệt.

 

Ðỗ Mười là người "bị" về hưu đến hai lần, từ Tổng bí thư xuống làm cố vấn ăn lộc, nay lại từ cố vấn về vườn luôn. Hai lần xuống cấp như vậy Mười có buồn không? Không, vì ông ta cười tuơi nói: "Mình đã già rồi. Phải có cái gì mới chớ không lẽ đảng chúng tôi cứ cũ hoài". Câu nói quả đúng xu thế mới. Mười còn hô tiếp tục đổi mới và đổi mới mãi mãi. Không nên quên khi Cộng sản mới chiếm được Miền Nam năm 1975, Ðỗ Mười chỉ đạo chiến dịch đánh phá tư sản miền Nam, lúc đó chưa có từ "đổi mới". Vậy mà khi đảng quyết định "đổi mới" kinh tế năm 1986, Mười lại trở cờ rất kỹ nên đạt được chức Tổng bí thư năm 1991. Tư cách lãnh đạo của Mười đã bộc lộ trong câu nói bất hủ: "Nhân dân bảo sao, tôi làm vậy". Ðó là tư cách của cái "thùng thơ", ai bảo sao làm vậy chớ không có sáng kiến. Nhưng năm 1996 Mười đã chỉ định Lê Khả Phiêu kế vị, tại sao nay lại muốn lật đổ Phiêu? Việc kế vị không có luật, chỉ có lệ đảng kẻ đi trước bảo trợ kẻ đi sau cho có liên tục một đường. Khi đã theo luật rừng thì liên minh sẽ trở thành thù nghịch nếu ăn chia không đều.

 

Nhưng bên lề Ðại hội lần này, Mười còn muốn để lại hậu thế những câu nói bất hủ mới học được. Mười hô đổi mới dài dài theo kinh tế thị trường, nhưng quả quyết "chủ nghĩa cộng sản không chết". Mười là lãnh tụ gốc nông dân thiếu học, suốt đời chỉ biết đảng bảo gì làm thế, không cần biết kinh tế thị trường giết chết chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Từ lập trường bần cố nông đó, vị cựu lãnh tụ đã đưa ra một câu tuyên bố xanh rờn đáng ghi sử sách của nạn dốt: "Dân chủ hả? Dân chủ là tư bản! Một đảng dân chủ là một đảng tư bản chủ nghĩa".

 

Trước các nhà báo ngoại quốc, Mười lên lớp về những "mâu thuẫn" của chủ nghĩa tư bản và vặn hỏi học trò: "Các anh làm thế nào giải quyết những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản?" Các anh học trò chắc cũng muốn hỏi "Ông nghĩ chủ nghĩa cộng sản không có mâu thuẫn?". Có lẽ họ lịch thiệp nên chỉ lắng tai nghe và cũng đang chờ xem ngay trước mắt các ông cộng sản giải quyết mâu thuẫn nội bộ của các ông như thế nào. Ðược thể, Mười tuôn ra hết ruột gan theo theo bài học ý thức hệ thuộc lòng: "Chính các tập đoàn đại tư bản tổ hợp doanh nghiệp xuyên biên cương các nước đã bóc lột. Chúng tôi sẽ không che chở cho những tập đoàn đó. Chúng tôi sẽ đánh thuế chúng thật nặng, để bảo vệ nông dân làm ruộng, trong số đó cả nhà báo các ông". Một người đã từng làm lãnh tụ một đảng có trí tuệ "siêu việt", đảng Cộng sản Việt Nam, nay coi báo chí là dân cầy đi làm ruộng. Lần đầu tiên thế giới được nghe một câu tuyên bố hách như vậy.

 

Nhưng chưa hết, Ðỗ Mười còn truy mấy anh học trò ký giả ngoại quốc, vì các anh này ngớ ngẩn hỏi tại sao nước Việt Nam được lên bảng "đệ nhất anh hùng tham nhũng Á châu"?. Ðỗ Mười nói nạn tham nhũng còn tệ hại hơn ở những nước giầu. Rồi vặn lại: "Có tham nhũng trong các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia hay không? Nếu không có tham nhũng làm sao chúng giầu thế?". Hỡi ôi, tư tưởng của con người đã làm chủ đảng cầm quyền toàn trị và làm chủ vận mệnh của cả nước là thế đó. Chỉ có "tham nhũng mới làm giầu được", còn không tham nhũng là nghèo mạt rệp. Vậy mà chính cái mồm của ông lãnh tụ này đã từng đón gió đổi mới hô hào "người người làm giầu, nhà nhà làm giầu", và làm giầu là "vinh quang".

 

Chúng tôi ở bên ngoài không được nhìn thấy tận mặt các ông lãnh đạo. Nhưng nhà văn Dương Thu Hương ở trong nước từ lâu và đã từng sát cánh với các ông một thời gian dài, mới đây trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh ở Mỹ đã nói thế này: "Tất cả những lời lẽ của giới lãnh đạo đều vừa ngu xuẩn vừa dối trá. Cái mặt của họ trông tăm tối lắm, ăn nói thì nham nhở ngu độn, nói chung là câu nọ chửi bố câu kia".

 

 Tôi xin phép mượn lời Dương Thu Hương kết luận bài này.

 Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh