ẢNH HƯỞNG CUỘC ÐIỀU TRẦN

 

Cuộc điều trần về tình trạng đàn áp tôn giáo tại VN đã chấm dứt.Ủy hội Quốc tế Tự do Tôn giáo đã đúc kết, chuyển trình Tổng thống và Quốc hội Mỹ quan tâm đến tình trạng đàn áp tôn giáo ở VN. Theo thông lệ ít ngày nữa Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chuyển đệ cho Quốc hội một bản tường trình về nhân quyền, trong đó  chắc chắn có mục  tôn giáo. Nếu có sự khác biệt đáng kể, Hạ viện sẽ chất vấn Bộ Ngoại giao. Tóm kết vấn đề chỉ đơn giản có thế. Tuy nhiên, đó chỉ là bọt biển thấy được trên mặt. Sóng ngầm là dụng ý của các cuộc vận động ở hậu trường chánh trị từ bên ngoài, hay trong hành lang Ðiện Capitol, nơi Thương ước Mỹ Việt sắp được đưa ra nghị trường Quốc hội  thảo luận, phê chuẩn để có giá trị thi hành.

 

Như mọi cuộc vận động chánh trị khác, cuộc điều trần bị đặt giữa hai thế lực chống đối và ủng hộ, do ba phía  là Mỹ, Phong trào Nhân dân tranh đấu cho tự do tôn giáo và tự do dân tộc, và VNCS.

 

Trước nhứt, về phía Mỹ, ý kiến của Ủy hội Quốc tế Tự do Tôn giáo bộc lộ rõ trong đúc kết là lưu ý Hành pháp và Lập pháp về tình trạng đàn áp tôn giáo ở VN. Lời khuyên không có đề nghị, hàm ý nghe thì tốt hay không nghe cũng chẳng sao. Riêng giới chuyên viên tham dự, như Giáo sư Thayler, khẳng định Thương ước rất cần cho tôn giáo. Bày tỏ tích cực ấy khác với lập trường trước sau như một của HT Quảng Ðộ, Mỹ đổ tiền vào VN ø vô hình chung giúp cho CSVN tăng cường bộ máy đàn áp.

 

Kết quả của cuộc điều trần tốt hơn mong đợi của giới tài phiệt Mỹ. Vấn đề đàn áp tôn giáo ở VN, từ sau ngày Hành pháp hai bên ký Thương ước (tháng 7/2000), xảy ra ngày càng trầm trọng, tạo thành  nhân tố có thể làm cho Quốc hội, nếu không phê chuẩn, cũng đình hoãn lâu dài hay phê chuẩn có điều kiện đính kèm. Cả ba trường hợp đều bất lợi cho việc làm ăn buôn bán. Chánh quyền Cộng hoà cũng xem Thương ước cần được phê chuẩn sớm. Quyền lợi Mỹ trên hết.

 

Kế đến, phía Phong trào đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân tộc. Nỗ lực của Phong trào trên đất Mỹ, công tác phối hợp trong và ngoài nước là một điểm son trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi một vài sơ sót do thì giờ có hạn hay do chủ quan chưa nắm vững tình hình nội bộ các tôn giáo đấu tranh. Do vậy thành phần được giới thiệu không đại diện sâu sát các lực lương đấu tranh. Bản tường trình của thuyết trình viên Phật giáo tại Ủy hội không nhắc đến Tăng đoàn Huế. Không có bản tường trình của Cụ Lê quang Liêm đang lãnh đạo PGHH đấu tranh trong nước. Quan sát viên có lý do để nghĩ rằng Uûy hội hay người cộng tác với Uûy hội  muốn điều kiện hóa cuộc điều trần ở chừng mực vừa đủ để Quốc hội không chống đối phê chuẩn Thương ước hay phê chuẩn nhưng sẽ kèm nhiều điều kiện khó khăn. Những tiếng nói mạnh, những lực lượng mũi nhọn đấu tranh, những đại diên chánh thức của những lãnh tụ đấu tranh trong nước không được chọn mời, hay được mời mà bị CSVN ém thư tới giờ chót. Dù sao thì những vị được mời cũng đã nói được chung một điều là CSVN có đàn áp tôn giáo tuy không minh danh ai là người lãnh đạo đấu tranh trong nước. Cũng chẳng sao, truyền thông lâu nay đã làm và làm rất thành công việc ấy rồi.

 

Dù giới lốp bi, ma nốp có chánh trị chánh em ra sao đi nữa cũng không thể làm khác với thực trạng ấy. Trẻ già, lương giáo, cộng đồng, đoàn thể quần chúng, đoàn kết nhau chuẩn bị khí thế cho cuộc điều trần. Ngoài nước biểu tình, cầu nguyện, vào gặp nhiều dân biểu nghị sĩ. Truyền thông đại chúng Việt ngữ chỉ một lời, kêu cứu cho tôn giáo VN. Trong nước, cuộc thiền hành, trai đàn, các vị lãnh tụ hội kiến, lập Hội đồng chỉ đạo đấu tranh. Ði đại diện, đi ngoại giao mà hậu phương hùng dũng như thế, tiếng nói rất dễ có trọng lượng.

 

Chót là phía CSVN. Vẫn bổn cũ soạn và nhai lại.  Mỹ tổ chức điều trần về đàn áp tôn giáo ở VN là xâm phạm vào nội bộ nước khác, trái Hiến chương Liên hiệp quốc. Miễn bàn vì hiểu rồi, khổ lắm nói mãi.

 

Duyệt qua ba phía, liệu cuộc điều trần đem lại kết quả gì. Ngắn tầm thì chưa. Thương ước Mỹ và VNCS sớm muộn gì cũng được phê chuẩn. Cộng đồng người Việt ở Mỹ dù được các tôn giáo trong và ngoài nước tiếp sức cũng chưa đủ khả năng làm thay đổi chính sách của Hoa kỳ. Biết mình như thế để củng cố hàng ngũ, nỗ lực len lỏi hơn nữa vào dòng chính của xã hội Mỹ qua bầu cử, qua trao đổi chánh trị.

 

Nhưng trong trường kỳ, cuộc điều trần đem lại rất nhiều lợi ích. Cuộc đàn áp tôn giáo của CSVN đã được xác nhận là có. Ðó là một sự thật rõ ràng, nhiều người biết, chớ không phải những dàn dựng của các nhà đấu tranh như CS Hà nội tuyên bố. Công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo trong nước được chính giới Mỹ hiểu biết và quốc tế hóa. Do vậy an nguy của các lãnh tụ tôn giáo được bảo đảm hơn. CS phải thận trọng hơn trong việc đàn áp nếu không muốn mất viện trợ hay bị rắc rối ngoại giao.

 

Nhưng quan yếu nhứt phải là việc quần chúng trong nước vững tâm hơn trong đấu tranh, hết sợ CS, tin tưởng mình không cô đơn trong tranh đấu. Lợi ích này là lợi ích quan yếu vì sự thành bại của cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân tộc do trong nước là chánh. Hải ngoại có thể là tham mưu. Tư lịnh tối cao  phải là người trong nước. Người Việt hải ngoại dù phương tiện dồi dào cũng không nghĩ thế, làm thay người trong nước được.

 

 Thực vậy, nếu các tôn giáo cam tâm, an phận với sự lật xấp lật ngửa của CSVN; nếu không có một Cụ Lê quang Liêm, một HT Quảng Ðộ, những cao tăng của Tăng đoàn Huế, một LM Nguyễn văn Lý, và bao nhiêu chức sắc tôn giáo và quần chúng tín ngưỡng khác dám đứng lên thì cuộc điều trần và người được mời đại diện tôn giáo ở ngoài nước sẽ chẳng có gì để đại diện và chẳng có gì để nói. Và người Việt hải ngoại cũng chẳng có dịp đoàn kết nhau hướng về Tổ quốc thân yêu, cảm thông nỗi khổ  của đồng bào trong nước.