ĂN CƠM CHÚA, PHẢI MÚA TỐI NGÀY

 

Ðại Dương

 

Năm 1993, Phó tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ với bút hiệu Hà Sĩ Phu đã viết ".. khi nói về Ðảng tôi lại có những suy tư khẳng định. .không ai có thể phủ định 3 điều sau đây (1) Kể từ khi thành lập Ðảng (cộng sản) đã thu hút đông đảo tinh hoa của dân tộc..". Trích Tuyển tập Hà Sĩ Phu.

 

Những kẻ tự xưng là tinh hoa của dân tộc đã dìm Việt Nam trong máu lửa đau thương, trong khốn khổ lầm than vào hàng nghèo đói nhất thế giới. Không ai có thể chối bỏ sự thực này.

 

Trong 2 ngày 22 và 23/2/2001 nhiều trí thức xã hội chủ nghĩa xuất thân cùng một lò với "cán bộ cách mạng" Nguyễn Xuân Tụ theo tiếng chuông rung của Trung ương đảng đã tọa đàm về các đề tài "Xây dựng nền khoa học - công nghệ tiên tiến""Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm" hầu bơm "tinh hoa" vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Ðại hội IX.

 

Qua hai cuộc tọa đàm, trí thức xã hội chủ nghĩa càng làm cho dân chúng thêm phần ngán ngẫm.

 

Tư duy đông lạnh

 

Hơn nửa thế kỷ trước, thông tin bị giới hạn qua thời gian và không gian đã khiến một số trí thức theo cộng sản với tinh thần cuồng tín. Họ cứ nhắm mắt để cho tập đoàn lãnh đạo Hà Nội xỏ mũi dắt đi vào con đường hầm không lối thoát.

 

Ngày nay, thông tin mở rộng, đa chiều, nhanh chóng làm cho loài người có điều kiện nghe nhìn, so sánh và lựa chọn. Thế mà, trí thức xã hội chủ nghĩa tại nước ta cũng chẳng phân biệt được vài điều sơ đẳng nhất (1) "góp ý xây dựng" chỉ là mô hình dân chủ giả hiệu vì Vladimir I. Lenin đã phán "Thảo luận thì cứ thảo luận, càng rộng rãi càng tốt, nhưng quyết định phải là thủ trưởng". V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb TB, M, 1977. Trí thức xã hội có tư duy chứ nào phải con chó trong thí nghiệm của Palov hễ nghe tiếng kẻng là sủa mà chẳng phân biệt được thật và giả? (2) Dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ là một hình thức độc tài trá hình. GS - TS Phạm Ngọc Quang trong Tạp chí Văn hóa Tư tưởng số tháng 1/01 viết "đẩy mạnh dân chủ hoá trên các lĩnh vực khác, dân chủ hoá trên lĩnh vực công tác lý luận, trên lĩnh vực tinh thần nói chung phải đi liền với kỷ cương, pháp chế và được định hướng vào việc góp phần củng cố, tăng cường tính xã hội chủ nghĩa .. Mọi mưu đồ lợi dụng dân chủ hoá trên lĩnh vực này phải được loại trừ". Dân-chủ-hóa nhằm phục vụ quyền lợi của quần chúng chứ không phải để tăng cường, củng cố tính xã hội chủ nghĩa và loại trừ những người không cùng quan điểm. Xã hội chủ nghĩa chỉ là một trong các mô hình xã hội mà mọi công dân có quyền nghiên cứu, phê phán trước khi chọn lựa cái tối ưu nhất cho tổ quốc, dân tộc. (3) Cơ cấu xã hội chủ nghĩa không cho phép công dân được quyền tư duy độc lập, nền tảng của tri thức. Bởi thế, bám vào cơ cấu đó nhất định trí tuệ sẽ cùn mằn như kinh nghiệm lịch sử của dân tộc đã minh chứng.

 

So với nửa thế kỷ trước, không gian thu hẹp hơn, thời gian nhanh chóng hơn, cơ hội hiểu biết về thế giới chung quanh nhiều hơn. Nhưng, trí thức xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam vẫn suy nghĩ và hành động như ngày xữa ngày xưa vì tư duy đã đông lạnh.

 

Bất lực triền miên

 

Mấy thập niên qua, trí thức xã hội chủ nghĩa đã giữ hầu hết các địa vị then chốt trong xã hội Việt Nam trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, khoa học. Họ phụ họa theo tập đoàn lãnh đạo để tung hô thành tích nhưng không dám nhìn nhận sự bất lực đã trở thành đặc tính cố hữu.

 

Dầu lửa bơm lên hàng triệu tấn, xuất cảng gạo đứng hàng thứ nhì trên thế giới, người Việt hải ngoại "cho không" vài tỉ mỹ kim hàng năm nhưng thu nhập bình quân vẫn chưa tới 400 mỹ kim. Một con số quá nhỏ so với các quốc gia trong vùng. Sự tụt hậu đó càng tô đậm thêm tính chất bất lực của tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa trong công cuộc kiến thiết xứ sở.

 

Trong Tạp chí Cộng sản số tháng 1/2001, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan ghi nhận "Kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người trong năm 2000 khoảng 184 mỹ kim so với 1,000 của Thái Lan..tình trạng luật lệ Nhà nước ta thì ngày càng thông thoáng hơn nhưng việc thi hành lại có nhiều trục trặc ở nhiều khâu".

 

Người đứng đầu các khâu chắc không phải là nông dân hay công nhân. Trục trặc không thể thiếu phần quan trọng của trí thức xã hội chủ nghĩa.

 

GS, TS Phan Hồng Khôi nhận định "công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ ở trong tình trạng lãng phí, đề tài trùng lặp, không có hiệu quả, khả năng áp dụng các kết quả nghiên cứu thấp".

 

Ngay trong lĩnh vực chuyên môn, trí thức xã hội chủ nghĩa cũng phơi bày khả năng rất hạn chế cùng tinh thần vô trách nhiệm. Họ nghiên cứu theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản để lập thành tích hơn là quan tâm đến hiệu quả của công việc.

 

TS Dương Duy Hoạt cho biết "Hiện tại, cán bộ các cơ quan khoa học ở một số địa phương năng lực thấp nhưng lại chịu trách nhiệm chỉ đạo mọi hoạt động khoa học - công nghệ".

 

Khi còn độc quyền lãnh đạo với chủ trương "Hồng hơn Chuyên" thì tình trạng đó vô phương cải thiện. Việc đào tạo tại chức đã cho phép cán bộ hợp-thức-hóa văn bằng và địa vị lãnh đạo trong cơ quan. Trong đợt thanh tra mới đây do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiến hành đã khám phá 2,352 bằng cấp chứng chỉ giả trong số 309,722 bằng cấp chứng chỉ được kiểm tra.

 

Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng Ðào Ngọc Nam nhận xét "hiện có không ít chủ thầu, kiến thức chưa xong phổ thông cơ sở hoặc trung học mà vẫn hành nghề thiết kế, thi công hàng loạt công trình giao thông, nhà ở, cho nên những công trình này tiềm ẩn nhiều hiểm họa".

 

Ơ kìa, những Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phạm Thế Duyệt trình độ đến đâu mà vẫn trực tiếp chỉ đạo thiết kế công trình xã hội chủ nghĩa? Và công trình đó có tiềm ẩn nhiều hiểm họa không? Tại sao các ngài trí thức xã hội chủ nghĩa chẳng đặt vấn đề này lên Trung ương? Hoặc các ngài tính dùng bọn chủ thầu làm kẻ thế thân cho lãnh đạo trong chiến dịch phê bình và tự phê bình do Trung ương đề xướng?

 

Sai lầm trong khi thiết kế công trình giao thông, nhà ở do các chủ thầu thiếu kiến thức chuyên môn chỉ gây thiệt hại hạn chế đối với xã hội.

 

Nhưng, bọn cai thầu xây dựng xã hội cho Việt Nam đã có một hồ sơ thiếu-năng-lực, không-đáng-tin như đảng cộng sản tất phải gây tác hại vô cùng nghiêm trọng đối với đất nước dân tộc.

 

Quí vị trí thức xã hội chủ nghĩa có đủ lương tri, dũng khí để chọn một nhà thầu khác hầu xứng đáng với danh hiệu "tinh hoa của dân tộc" hay không?

 

Tranh quyền đoạt lợi

 

Trên Tạp chí Văn hóa Tư tưởng số tháng 1/01, GS - TS Phạm Ngọc Quang viết "Chỉ khi (làm cho hầu hết mọi người sợ làm công tác quản lý và lãnh đạo) mới chấm dứt được tình trạng tranh nhau nắm lấy chức quyền, mới khắc phục triệt để xu hướng xem tiến thân bằng con đường quản lý như là phương hướng duy nhất của mọi cán bộ, công dân - một xu hướng gây nhiều hậu quả tiêu cực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học".

 

Khung cảnh trên đã xác nhận sự thất bại của công tác Văn hóa Tư tưởng trong việc truyền bá lý tưởng cộng sản. Hoặc nội dung chủ yếu của lý tưởng cộng sản chính là chức quyền? Vậy thì, cha đẻ của hậu quả tiêu cực đúng là chủ nghĩa cộng sản. Những khẩu hiệu "mình vì mọi người; cán bộ là đầy tớ của nhân dân" chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Trung ương đảng cộng sản.

 

Ông Quang đề nghị biện pháp chống tiêu cực "để cán bộ quản lý có thể tập trung toàn bộ sức lực vào công việc được giao, cần có chế độ tiền lương thỏa đáng".

 

Trong cuộc tọa đàm do báo Nhân Dân tổ chức ngày 22/2/01, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Hội đề nghị "không nên xếp lương của đội ngũ làm công tác khoa học - công nghệ vào các bậc lương hành chính sự nghiệp, vì như vậy sẽ không kích thích sự say mê, sáng tạo của số cán bộ trẻ nhưng có tài năng thật sự".

 

Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty xi măng Việt Nam, Nguyễn Thế Kham trong cuộc tọa đàm do báo Nhân Dân tổ chức ngày 23/2/01 đã đề nghị "chính sách tài chính theo nội hàm toàn diện không chỉ có thuế mà cả đầu tư, tài trợ, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng.. để doanh nghiệp nhà nước tiếp tục làm được vai trò chủ đạo".

 

Nội dung đề nghị của ba vị trí thức xã hội chủ nghĩa nêu trên nhằm mục đích duy trì độc quyền và đặc lợi cho bản thân và phe nhóm.

 

Trí thức xã hội chủ nghĩa là sản phẩm và công cụ của chế độ. Họ là công chức triệt để nhất so với nội dung của danh từ này. Do đó, phục tùng lãnh đạo là ưu tiên số 1 của trí thức xã hội chủ nghĩa.

 

Tiền tài dính liền với địa vị trong hệ thống quan trường. Vì thế, các đề nghị nêu trên càng thúc đẩy thêm tình trạng tiêu cực trong hàng ngũ cán bộ, viên chức nhà nước thay vì làm triệt tiêu hoặc giảm bớt.

 

Tư duy độc lập là nền tảng của phát triển và tiến bộ. Ðiều này không có gì mới lạ đối với hầu hết nhân loại. Tầng lớp trí thức lại càng có cơ hội hiểu sâu sắc hơn.

 

Tin tức luân lưu tự do, mạng lưới trao đổi rộng khắp khiến cho sự học hỏi nhanh chóng hơn, bao quát hơn so với nền thông tin khép kín.

 

Sự phát triển đồng bộ trong xã hội, như từng được minh chứng khắp thế giới, chỉ đến nhờ cạnh tranh công bình giữa mọi thành phần của dân tộc. Doanh nghiệp nhà nước từng độc quyền qua nhiều thời kỳ và hình thức khác nhau. Nhưng, kết quả lai y chang: thất bại và lụn bại.

 

Bài toán phát triển Việt Nam không thể đến bằng cách xin xỏ nhà nước ban phát cho một vài đặc ân.

 

Nó chỉ đến bằng hai giải pháp chính (1) Thay thế mô hình xã hội chủ nghĩa hiện tại vì không đáp ứng khát vọng tiến bộ của toàn dân trong hơn nữa thế kỷ. Không một xã hội nào có thể tiến tới hài hòa mà thiếu sự thay đổi đồng bộ. (2) Tư duy là sản phẩm của trí tuệ phải được tự do. Gò bó tư duy, đóng khung suy nghĩ chỉ dẫn đất nước đến tụt hậu như lịch sử từng thể hiện.

 

 Quyết định của trí thức xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam hiện nay sẽ chứng tỏ họ xứng đáng là trí tuệ của dân tộc hoặc chỉ là công cụ của đảng cộng sản.